Chính trị

Công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội: Tiền đề phát triển bền vững

Tiến Thành 15/02/2024 - 06:20

Hoàn thiện đồng bộ thể chế là một trong ba đột phá chiến lược được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra. Trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều đổi mới, chủ động “từ sớm, từ xa”, thận trọng, chặt chẽ để các dự thảo luật, nghị quyết đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

quang-canh.jpg
Quang cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu, tháng 8-2023.

Đổi mới tư duy, đề cao chất lượng

Năm 2023, Quốc hội tiếp tục thực hiện tinh thần lập pháp chủ động, kiến tạo phát triển với tầm nhìn dài hạn để hiện thực hóa mục tiêu hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Tính đến kỳ họp thứ sáu, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan hữu quan đã hoàn thành 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ (đạt 83,21%).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, đây là minh chứng rõ rệt của sự đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tính chủ động, tích cực của Đảng đoàn Quốc hội trong việc khẩn trương thể chế hóa chủ trương, đường lối Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trong đó, việc dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xem xét thông qua sau 4 kỳ họp, 2 hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và hơn 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân… là sự kiện chưa từng có trong lịch sử Quốc hội. Đây là luật khó, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, có tác động lớn đến nền kinh tế và đời sống của người dân nên cần áp dụng quy trình đặc biệt để xem xét thật thấu đáo mọi mặt.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, các cơ quan đã làm việc không quản ngày đêm để có được bản dự thảo cuối cùng Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn chỉnh ngay trước giờ trình Quốc hội bấm nút thông qua.

Còn Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa đánh giá, việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm qua cho thấy tư duy kiến tạo, tầm nhìn xa, hành động quyết liệt của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong công tác lập pháp; nỗ lực đổi mới nhằm đưa cuộc sống vào luật, để luật pháp chính là lăng kính phản chiếu cuộc sống.

Tiếp tục cải tiến, tăng trách nhiệm

Thực tế cho thấy, mặc dù đạt được những kết quả tích cực là chủ yếu, nhưng công tác xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết còn một số hạn chế, bất cập.

Đề ra giải pháp cho vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”.

Đối với việc triển khai công tác lập pháp năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao, dành nhiều ưu tiên cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật. Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động, khẩn trương thành lập ban soạn thảo; tập trung thời gian, nguồn lực để soạn thảo theo kế hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay, trong năm 2024, Quốc hội xem xét, thông qua 18 luật, 1 nghị quyết, cho ý kiến về 2 dự án luật khác. Bên cạnh đó, khối lượng công việc lập pháp có thể còn tăng thêm do tiếp tục bổ sung một số dự án mới vào chương trình để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Với số lượng dự án lớn, trong đó nhiều dự án có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng, đòi hỏi Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội được giao soạn thảo, thẩm định luật phải tập trung nguồn lực và quyết liệt thực hiện thì mới có thể hoàn thành chương trình đã đề ra.

Từ thực tế xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua sau 4 kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin, đơn vị tiếp tục tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện các biện pháp cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của các cơ quan tham gia trong quy trình lập pháp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh:
Phối hợp chặt chẽ trong hoạt động phản biện xã hội

ngoc-anh.jpg

Trong thời gian tới, cơ quan chủ trì soạn thảo tích cực, chủ động phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tổ chức phản biện xã hội ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Đặc biệt, sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận với cơ quan chủ trì soạn thảo, bảo đảm sự tham gia đầy đủ của cơ quan phản biện ở các công đoạn soạn thảo. Việc lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền dự án, dự thảo văn bản, việc tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện xã hội phải được xác định là nhiệm vụ bắt buộc. Về lâu dài, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; cụ thể hóa đầy đủ quyền con người, quyền công dân, nghiên cứu để tiến tới xây dựng luật/pháp lệnh về hoạt động giám sát của nhân dân...

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Trần Anh Đức:
Phân công rõ trách nhiệm từng đơn vị, cá nhân

anh-duc.jpg

Bộ Tư pháp đã đề nghị các cơ quan, tổ chức phải thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật; phân công rõ trách nhiệm cho từng đơn vị, cá nhân trong nghiên cứu xây dựng, đề xuất chính sách và soạn thảo, trình văn bản luật; đồng thời tăng cường kiểm tra kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật… Đối với cơ quan chủ trì soạn thảo, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ về thành phần hồ sơ, hình thức, chất lượng của các tài liệu trong hồ sơ; tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục, đặc biệt là thời hạn soạn thảo; tổ chức hoạt động của ban soạn thảo.

Đối với cơ quan chủ trì thẩm định, cần tiếp tục phát huy hình thức hội đồng thẩm định, hội đồng tư vấn thẩm định với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học; chủ động bám sát quá trình xây dựng văn bản luật từ giai đoạn soạn thảo đến khi văn bản được thông qua, ký ban hành, chú trọng theo dõi sát việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau):
Hạn chế điều chỉnh chương trình xây dựng luật

thanh-van.jpg

Từ đầu nhiệm kỳ này, Quốc hội đã có Đề án trình Bộ Chính trị về định hướng xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ. Việc ra đời Đề án là một điểm sáng cho hoạt động lập pháp, tư duy chiến lược dài hơi hơn song hành với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng mỗi nhiệm kỳ.

Tôi cho rằng, Quốc hội sớm khôi phục lại việc xây dựng chương trình luật, pháp lệnh cho toàn khóa, căn cứ vào nghị quyết Đại hội Đảng mỗi khóa để hoạch định công tác lập pháp, xác định thứ tự ưu tiên và duy trì kỷ cương lập pháp theo chương trình đó, hạn chế tối đa việc điều chỉnh chương trình luật, pháp lệnh hằng năm. Bên cạnh đó, khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”. Đặc biệt, khi thành lập ban soạn thảo xây dựng luật nên hạn chế thành viên trong các đơn vị chủ trì, đề xuất mời các nhà khoa học, nhà chuyên môn và đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật tham gia.

Mai Hữu ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội: Tiền đề phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.