(HNM) - Sáu tháng đầu năm 2016, số vụ việc mà các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong nhiều hơn cùng kỳ năm 2015, nhưng công tác thi hành án về cơ bản lại chưa có sự đột phá.
Cục Thi hành án TP Hà Nội tổ chức cưỡng chế thi hành một vụ án. Ảnh: Đoàn Nguyên |
Số lượng án chuyển kỳ sau lớn
Năm 2016 là năm đầu tiên các cơ quan THADS tổ chức thực hiện các chỉ tiêu về THADS theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27-11-2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Đây còn là năm thứ hai triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS. Trong bối cảnh kinh tế trong nước còn gặp khó khăn, các cơ quan THADS đã thi hành xong số việc, tiền nhiều hơn và đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) Mai Lương Khôi cho biết, trong tổng số gần 541.600 việc phải thi hành án (THA), đến nay số đã thi hành xong là gần 212.600 việc, tăng hơn 10.600 việc so với cùng kỳ. Về tiền, đến nay đã thi hành xong hơn 9.300 tỷ đồng trong 111.900 tỷ đồng phải thi hành án, tăng khoảng 14,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Ngoài ra, Tổng cục THADS cho biết, với 124 vụ việc phải THA để thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng, tương đương số tiền hơn 2.445 tỷ đồng. Đến nay số việc đã thi hành xong là 10 việc, tương ứng số tiền trên 91 tỷ đồng; số việc còn phải thi hành là 114 việc, tương ứng gần 2.354 tỷ đồng...
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, về tiền, các đơn vị THADS thực hiện đạt tỷ lệ quá thấp, mới đạt khoảng 10%. Thậm chí nhiều địa phương mới chỉ đạt 5% như Hải Dương, Kon Tum, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng, Bắc Ninh và Hà Tĩnh. Như vậy là chưa có sự đột phá. Chưa kể, số lượng án thi hành phải chuyển kỳ sau lớn. Khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này còn khá nhiều, có vụ việc kéo dài hàng chục năm và lãnh đạo Bộ Tư pháp phải thường xuyên tiếp công dân để phối hợp giải quyết.
Siết trách nhiệm người đứng đầu
Trong bối cảnh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thụ lý đến hơn 90.000 việc, tương ứng với số tiền hơn 57.000 tỷ đồng (chiếm gần 1/5 số việc và 1/2 số tiền thụ lý của ngành THADS cả nước), quyền Cục trưởng Cục THADS TP Hồ Chí Minh Vũ Quốc Doanh phản ánh, tiêu chí xác định án trọng điểm hiện nay chưa rõ ràng. Tổng cục THADS yêu cầu phải giải quyết dứt điểm án trọng điểm trong năm 2016 thì sẽ rất khó cho địa phương. Ông Vũ Quốc Doanh cho rằng, đây đều là các vụ án khó khăn, cần nhiều thời gian, xử lý được một vụ đã là thành công.
Cũng theo ông Vũ Quốc Doanh, cơ quan THA đã tiến hành kê biên nhưng không nhận được bản án là một trong các lý do chính khiến tỷ lệ các vụ việc có điều kiện thi hành còn thấp. Cụ thể đối với vụ Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - Ngân hàng VietinBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có thời điểm, 22 tài sản các loại phải thi hành án song cơ quan điều tra Bộ Công an chỉ chuyển bản photocopy các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu với lý do đang điều tra lại vụ án nên cơ quan THA chưa thi hành được.
Ngoài cơ chế, Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội Lê Quang Tiến chia sẻ, khó khăn còn bắt nguồn từ việc số chấp hành viên giảm do đến tuổi nghỉ hưu, tinh giản, chuyển công tác. Để giảm nhẹ áp lực về chỉ tiêu, nhiệm vụ trong điều kiện lượng việc và tiền phải thi hành án ngày càng tăng hiện nay, ông Lê Quang Tiến đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS giữ nguyên chỉ tiêu chấp hành viên của các cơ quan THADS TP Hà Nội là 50% so với số biên chế được giao; khẩn trương tổ chức thi tuyển công chức để bổ sung cán bộ cho ngành.
Xét bối cảnh hiện tại, việc tháo gỡ khó khăn nêu trên bằng hoàn thiện thể chế phải là nhiệm vụ ưu tiên. Trước hết, cần sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong những vụ án tuyên chưa rõ; khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời và tổ chức triển khai thi hành có hiệu quả các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS. Song, ở chiều ngược lại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng thẳng thắn cho rằng, việc công khai thông tin THADS cũng là nhiệm vụ cần ưu tiên. Tổng cục THADS cần hướng dẫn tới các cục và chi cục THADS địa phương nghiên cứu tổ chức họp báo định kỳ, nêu rõ diễn biến những vụ việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Từ đó, lắng nghe tiếng nói của công luận và làm sáng tỏ các vấn đề liên quan. Về công tác cán bộ, tuyển đủ biên chế là việc cần thiết nhưng quan trọng hơn là bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đặc biệt, phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, không để tình trạng thoái thác khi có vụ việc xảy ra.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, chấp hành viên là chức danh nghề và chịu trách nhiệm về hành vi, công tác chuyên môn của mình, nhưng không được thoái thác hết trách nhiệm cho chấp hành viên. Vì vậy, phải cương quyết xử lý đối với cán bộ THADS có vi phạm, tùy theo mức độ có thể xử lý hành chính, thậm chí hình sự và gắn chặt với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.