(HNM) - Trong quá trình tìm hiểu thực tế tại các tòa nhà cao tầng trên địa bàn thành phố, chúng tôi nhận thấy rất khó “buộc” được trách nhiệm của chủ đầu tư (CĐT). Trong khi đó, nhiều CĐT vì thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực tài chính đã để mặc người dân sống cùng may rủi về nguy cơ cháy nổ
Vì sao vi phạm phổ biến?
Sau khi Cảnh sát PC&CC thành phố công bố danh sách 38 tòa chung cư không bảo đảm về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng, CĐT đã ít nhiều có chuyển biến. Đồng thời, UBND các quận, huyện cũng vào cuộc quyết liệt, chỉ ra hàng loạt lỗi của CĐT và đưa ra biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, nhiều CĐT thực hiện theo kiểu đối phó, trong khi đó nhiều cư dân lại chưa ý thức hết về sự nguy hiểm khi cháy nổ xảy ra nên không hoàn thiện hệ thống PCCC theo thiết kế đã được thẩm duyệt.
Tầng kỹ thuật M2 là khu vực lánh nạn của chung cư CT12, phường Phú La (quận Hà Đông) nhưng đã bị chủ đầu tư thay đổi công năng. |
Quận Hà Đông có 83 công trình nhà cao tầng, qua kiểm tra, Phòng Cảnh sát PC&CC số 9 đã xử lý vi phạm hành chính 28 công trình với số tiền hơn 585 triệu đồng. Số công trình bảo đảm yêu cầu về PCCC theo quy định chỉ khoảng 20% cho thấy nguy cơ cháy nổ có thể trở thành thảm họa bất cứ lúc nào. Toàn bộ 14 công trình nằm trong danh sách không bảo đảm an toàn cháy nổ đều chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng CĐT đã bàn giao nhà và cư dân đã về sinh sống ổn định.
Tương tự, qua kiểm tra 9 công trình vi phạm về PCCC tại quận Hoàng Mai, Phòng Cảnh sát PC&CC số 8 đã chỉ rõ vi phạm cụ thể của từng công trình, trong đó có rất nhiều lỗi “chết người” chưa được các CĐT khắc phục như: Cửa thoát nạn không được lắp đặt theo thiết kế, chưa lắp đặt hệ thống tăng áp buồng thang tại cầu thang bộ; chưa có hệ thống hút khói tầng hầm, hút khói hành lang. Một số hạng mục phải lắp đặt cửa chống cháy, nhưng CĐT thay bằng cửa cuốn, cửa xếp và bằng vật liệu thông thường nên khi xảy cháy thì những cửa này không có tác dụng. Một số cửa ngăn cháy tại buồng thang bị chèn hoặc khóa, cơ cấu tay co tự động đóng bị gẫy, hỏng không bảo đảm khả năng thoát nạn cho người dân…
Lỗi phổ biến ở nhiều chung cư, đó là việc CĐT tự ý thay đổi công năng của một số hạng mục công trình như: Tầng đệm (nơi tránh trú khi xảy ra cháy) đã biến thành căn hộ, trung tâm thương mại biến thành chợ… Một số CĐT gặp khó khăn về vốn nên việc chấp hành quy định về PCCC vẫn mang tính hình thức, đối phó.
Nguyên nhân của tình trạng này là do CĐT chưa chú trọng đến công tác PCCC mà chỉ nặng về việc bán nhà hoặc cố ý bớt xén một số công đoạn để giảm chi phí. Thượng tá Nguyễn Hoàng Sơn, Phó phòng Cảnh sát PC&CC số 7 thẳng thắn: Dưới con mắt của chúng tôi, các vi phạm về PCCC tại các tòa nhà là rất nghiêm trọng, khi xảy ra cháy nổ có thể trở thành thảm họa khôn lường. Các vi phạm này diễn ra phổ biến, công khai, đã bị nhắc nhở, xử phạt nhiều lần nhưng CĐT vẫn chậm khắc phục. Phần lớn số người chết trong các vụ cháy chủ yếu chết vì bị ngạt, nhưng nhiều CĐT không đầu tư hệ thống điều áp cầu thang (nếu hệ thống điều áp cầu thang được thực hiện đúng quy định, khi xảy cháy cư dân có thể trú ngụ tại thang thoát hiểm trong thời gian 2 giờ để chờ giải cứu mà không gặp nguy hiểm).
Chưa kể, nhiều CĐT khi xây dựng công trình đúng thiết kế, nhưng khi đưa vào sử dụng lại khai thác không đúng công năng dẫn đến hệ thống PCCC cũng bị vô hiệu hóa… Trong khi đó, Thượng tá Trần Quế Thường, Phó phòng Cảnh sát PC&CC số 9 cho hay: Trên địa bàn quận Hà Đông có nhiều chung cư xây dựng từ thời kỳ trước nên đến nay không đáp ứng được các quy định về PCCC, nếu có bổ sung, thay đổi cũng rất khó vì nhiều hạng mục nếu lắp đặt ảnh hưởng đến cả kết cấu của hệ thống toàn tòa nhà.
Thừa nhận những vi phạm về PCCC này có thể trở thành “thảm họa” nếu các CĐT không thực hiện nghiêm quy định về PCCC, ông Vũ Tuấn Đạt, Phó phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho hay: Không ít công trình đã được cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung nên quy hoạch đã bị thay đổi so với phê duyệt ban đầu, trong đó có tòa thay đổi theo hướng tăng mật độ xây dựng, tăng số căn hộ nhưng doanh nghiệp lại không chú trọng đầu tư hệ thống PCCC nên rất nguy hiểm. Luật PCCC quy định nếu CĐT không hoàn thiện hệ thống PCCC thì đình chỉ hoạt động của công trình, nhưng khi cư dân đã về ở thì biết đưa người dân đi đâu? Vả lại, khi ấy người dân chịu thiệt chứ CĐT vẫn ung dung vì đã thu hết tiền của các hộ dân rồi?! Mặt khác, CĐT khi bàn giao nhà cho người dân không thông báo cho chính quyền sở tại biết nên chính quyền sở tại cũng khó nắm được công trình đã được nghiệm thu PCCC chưa.
Hiểm họa từ việc chưa hoàn thiện hệ thống PCCC đã rõ nhưng khi người dân đã về ở thì việc xử lý lại không đơn giản. Thượng tá Trần Quế Thường băn khoăn: Mối quan hệ mua - bán căn hộ giữa CĐT và cư dân là quan hệ dân sự nên người dân giao xong tiền là có thể dọn nhà về ở. Do đó, phải có can thiệp bằng hệ thống các quy định của pháp luật để buộc CĐT chỉ được giao nhà cho người dân khi công trình đã được nghiệm thu về PCCC vì hiện nay Luật Nhà ở không thể hiện rõ điều này. Mặt khác, phải có cơ chế buộc CĐT phải có một khoản tiền nhất định trong tài khoản tạm giữ để bảo đảm nếu không thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước vẫn lấy được tiền của CĐT để khắc phục những tồn tại đó.
Ở một góc độ khác, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Khổng Minh Thảo cho biết: Ý thức người dân sinh sống trong các nhà cao tầng rất quan trọng, do đó phải khuyến cáo người dân không nhận nhà khi chưa được nghiệm thu PCCC. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, vi phạm phải bị phát hiện ngay từ đầu bởi khi công trình đã hoàn thiện rồi thì rất khó khắc phục…
Rõ trách nhiệm, quyết liệt xử lý
Theo quy định của Luật PC&CC, nhà cao tầng bắt buộc phải có hệ thống PCCC với những điều kiện nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trên thực tế công tác này chưa được nhiều doanh nghiệp đánh giá đúng mức.
Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy - Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết: Chúng tôi đã kiểm tra 38 công trình, đã mời đại diện CĐT đến để chỉ ra tồn tại, đưa giải pháp khắc phục. Vừa qua, những CĐT bị “điểm mặt” đã khắc phục một số tồn tại như chặt hạ cây xanh, bố trí điểm đỗ của xe cứu hỏa, còn những lỗi phức tạp, Cảnh sát PC&CC thành phố đã gia hạn để CĐT hoàn thiện. Với trường hợp những tòa chung cư xây dựng đã lâu, không đáp ứng được quy định của luật hiện hành về PCCC, Cảnh sát PC&CC thành phố sẽ tham mưu để UBND thành phố rà soát có phương án cụ thể.
Cho rằng các vi phạm về PCCC hiện nay là rất phổ biến, Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội nhấn mạnh: Hà Nội không chỉ có 38 nhà cao tầng vi phạm PCCC mà còn nhiều tòa khác nữa bởi hôm nay công trình này có thể bảo đảm an toàn nhưng ngày mai lại không bảo đảm vì một số hạng mục có thể hỏng bất cứ lúc nào, do đó công tác kiểm tra PCCC phải liên tục, thường xuyên và cần công khai các công trình không bảo đảm phòng cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cùng biết và CĐT phải tăng tinh thần trách nhiệm.
Để bảo đảm các quy định về PCCC được thực hiện có hiệu quả hơn trên thực tế, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PC&CC và cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an chỉ đạo: Với những CĐT chây ì, chậm khắc phục vi phạm nhưng đã đưa người dân đến ở, Cục yêu cầu Cảnh sát PC&CC các địa phương chỉ đạo CĐT dừng, không được tiếp tục cho người dân vào ở, nhanh chóng khắc phục tồn tại bảo đảm yêu cầu an toàn PCCC. Nếu CĐT vẫn cố tình không khắc phục, sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền không cấp phép các dự án mới cũng như đình chỉ hoạt động của CĐT.
Nguyên tắc PCCC lấy phòng ngừa là chính, nhưng với hàng loạt các công trình vi phạm như đã nêu trên thì nguyên tắc này đang bị xem nhẹ. Thực trạng đáng báo động đó đòi hỏi các quy định của pháp luật cần phải được bổ sung, đề cao tính thực tiễn hơn nữa mới mong ràng buộc được trách nhiệm của CĐT trong việc đầu tư hệ thống PCCC tại các tòa nhà cao tầng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.