LTS: Vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương dù xảy ra cách địa bàn Hà Nội vài chục cây số nhưng
LTS: Vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương dù xảy ra cách địa bàn Hà Nội vài chục cây số nhưng "sức nóng" của nó là bài học cho công tác phòng chống cháy nổ hiện nay, đặc biệt là khi Hà Nội có nhiều chợ, trung tâm thương mại. Phản ánh đúng thực trạng, đồng thời tìm ra giải pháp hạn chế tai nạn, rủi ro do "bà hỏa" gây ra, Báo Hànộimới đăng loạt bài “Công tác PCCC tại các chợ ở Hà Nội: Tai họa tiềm ẩn” nhằm góp thêm tiếng nói khi Ngày hội Toàn dân phòng cháy chữa cháy (4-10) đang đến gần…
Bài 1: Nhìn đâu cũng thấy nguy cơ
Sau hàng loạt những vụ cháy chợ, trung tâm thương mại (TTTM) tại các tỉnh như chợ Quảng Ngãi, chợ Tân Lộc (Cà Mau), chợ An Đông (TP Hồ Chí Minh), mà mới đây nhất là TTTM Hải Dương… nhiều tiểu thương Hà Nội không khỏi giật mình nhìn lại khi hằng ngày vẫn kinh doanh tại các khu chợ, TTTM với ngồn ngộn đủ loại hàng hóa. Đặc biệt, tại các gian hàng kinh doanh vải vóc, hàng khô… chủ sạp có thói quen "trưng hàng" như mắc cửi, bịt kín lối đi, xếp hàng đè cả lên ổ điện, nguồn nhiệt khiến nguy cơ cháy nổ có thể ập đến bất cứ lúc nào...
Kiểm tra bể nước phòng cháy chữa cháy tại chợ Đồng Xuân. |
Qua khảo sát một loạt chợ, đặc biệt là các chợ truyền thống tại các quận, huyện của Hà Nội mới thấy nguy cơ cháy, nổ tại khu vực này dường như đã được báo trước, đặc biệt khi mùa hanh khô đang tới. Có một điều chắc chắn không ai muốn xảy cháy tại đây nhưng hầu hết những người được hỏi đều cho rằng, nếu điều đó xảy ra, rất khó có thể bảo toàn được tài sản bởi các chợ đều quá cũ, chật chội, thiếu trang thiết bị chữa cháy cần thiết cũng như ý thức phòng cháy của các tiểu thương chưa tốt.
Thống kê cho thấy, hiện nay Hà Nội có khoảng 450 chợ, TTTM, trừ một số TTTM lớn, được trang bị hiện đại như Vincom, BigC, Pico, Metro… thì chủ yếu là các chợ truyền thống, chợ tạm. Điểm lại các chợ truyền thống, với gần 450 chợ, hiện nay chỉ có 67 chợ được xây dựng kiên cố, hơn 200 chợ bán kiên cố còn lại đều là những chợ tạm, chợ cũ đã có tuổi thọ đến 20-30 năm. Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổ trưởng Tổ quản lý thương nhân (Ban quản lý chợ Nghĩa Tân - Cầu Giấy) cho biết, chợ Nghĩa Tân được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1996, đến nay đã gần 20 năm. Chợ cũ, hệ thống phòng cháy, chữa cháy dù được bổ sung hằng năm từ nguồn kinh phí của quận nhưng hầu như vẫn không đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt của công tác phòng cháy, chữa cháy. Hầu hết các vách ngăn chợ vẫn chỉ là lưới mắt cáo, vách xốp hoặc gỗ với mỗi gian hàng chỉ vỏn vẹn 3m2 và chưa có hệ thống cảnh báo cháy tự động. Trong khi đó, nhu cầu kinh doanh ngày một lớn, lượng hàng hóa bày bán ngày một nhiều nên đôi khi không thể bó gọn được trong diện tích nhỏ nhoi ấy. Có thể cũng vì lý do đó, nhiều tiểu thương để hàng hóa quá nhiều trong gian hàng, chìa ra lối đi hoặc che lấp, thậm chí đè vào đường dây điện, ổ điện.
Ông Giang cho biết, với hơn 300 hộ kinh doanh hiện tại ở chợ Nghĩa Tân nhưng lực lượng phòng cháy, chữa cháy của chợ chỉ có 22 người (gồm cả cán bộ ban quản lý chợ) và được chia làm 3 ca. Trong khi đó, thiết bị, hệ thống chữa cháy của chợ còn quá thiếu và yếu. Toàn chợ có 2 bể nước 80 khối/bể, 2 máy bơm, 2 lăng vòi cùng một số bình bọt, bình khí. Đáng lo ngại hơn là toàn bộ khu vực quanh chợ chỉ có duy nhất một họng nước chữa cháy trên đường Nghĩa Tân để cấp nước khi cần thiết. Với những trang thiết bị này, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở dù có được huấn luyện, diễn tập các phương án chữa cháy định kỳ hằng năm thì việc đối phó với hỏa hoạn nếu xảy cháy vẫn là nỗi lo thường trực của cán bộ, nhân viên Ban quản lý chợ. Và để đề phòng, đối phó với những nguyên nhân trực tiếp gây hỏa hoạn như chập cháy điện, từ nhiều năm nay, hệ thống điện của chợ Nghĩa Tân đã được giao cho Điện lực Cầu Giấy quản lý và đặt hệ thống tự động ngắt toàn bộ khu vực kinh doanh sau khi hết giờ họp chợ và được cấp lại khi đến giờ mở chợ. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ cũng thường xuyên đi tuần tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh bày bán hàng gọn trong khu vực gian hàng, để lại lối đi thông thoáng trong chợ. Tuy nhiên, tại buổi chúng tôi có mặt, nhiều tiểu thương chợ Nghĩa Tân vẫn bày bán hàng tràn lan trên lối đi, không còn đủ diện tích hành lang theo quy định là 1,5m, đặc biệt tại khu vực hàng vải vóc.
Không chỉ tại chợ Nghĩa Tân, qua khảo sát, tại nhiều chợ đầu mối, TTTM của thành phố như chợ Ninh Hiệp, chợ Hôm - Đức Viên, chợ Ngã Tư Sở, chợ Cầu Giấy, chợ Thành Công, chợ Mơ (chợ tạm tại hai bên bờ sông Kim Ngưu)..., hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống điện vẫn chưa được trang bị đồng bộ, bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt là tình trạng các tiểu thương lấn chiếm lối đi, lấn chiếm không gian che lấp các họng nước chữa cháy khá phổ biến.
Vận hành thử hệ thống máy bơm phòng cháy, chữa cháy tại chợ Đồng Xuân. |
Chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm) sau khi nâng cấp có diện tích khoảng 6.000m2, phục vụ nhu cầu kinh doanh vải may mặc của hơn 1.000 tiểu thương và khoảng 700 ki ốt bán vải vóc, hàng hóa ngổn ngang dọc đường vào nhưng không có hệ thống báo và chữa cháy tự động. Với quy mô và số lượng hàng hóa khổng lồ là thế và kinh doanh mặt hàng là các loại chất liệu dễ cháy, dễ bắt lửa nhưng cũng chỉ được trang bị khoảng 20 họng nước chữa cháy và các bình bọt, bình khí nhỏ. Còn tại chợ Thành Công (quận Ba Đình), với khuôn viên khoảng gần 2.000m2, nhiều nhà dân bao quanh chợ tự mở cửa hàng kinh doanh nhưng hầu như đường vào chợ quá chật, dây điện, cáp thông tin cũng như cây cối xòe chắn gần hết đường bao quanh chợ. Chị Nguyễn Hoàng Giang, ở khu tập thể Thành Công (hằng ngày vẫn mua bán hàng hóa tại khu chợ này) cho rằng, nếu một khi xảy cháy hoặc sự cố, chắc chắn xe cứu hỏa không thể tiếp cận được khu vực chợ bởi đường hẹp lại có quá nhiều vật cản trên đường. Trong khi đó, toàn bộ khu vực chợ này đã quá cũ, hệ thống điện không bảo đảm, các vật liệu che chắn gian hàng đều tạm bợ, dễ bắt lửa, có thể xảy cháy bất cứ lúc nào. Tại chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), nhiều năm nay, các tiểu thương phàn nàn rất nhiều về sự xập xệ của khu chợ. Đây là khu chợ tồn tại nhiều năm nên đã có sự xuống cấp một cách nghiêm trọng. Bên trong chợ vốn đã chật hẹp, tối tăm, ẩm thấp, hệ thống điện thiếu an toàn cộng thêm sự cẩu thả của các tiểu thương trong việc sắp đặt hàng hóa khiến nguy cơ mất an toàn về cháy nổ càng trầm trọng. Chị Đinh Thị Mùi, ở phường Quan Nhân cho rằng, đã cả chục năm nay, thành phố thông báo triển khai dự án xây dựng mới chợ Ngã Tư Sở mà đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến các tiểu thương luôn trong tâm lý chờ đợi. Khoảng 800 ki ốt kinh doanh trong chợ vì thế cũng tạm bợ, chắp vá bằng vải bạt hoặc những miếng xốp rất dễ bắt lửa. "Mang tiếng là chợ trung tâm ở ngay cửa ngõ Thủ đô mà xập xệ, xuống cấp không bằng một cái chợ huyện. Mỗi lần đi chợ cứ phải chui rúc như vào hang cùng ngõ hẻm!" - chị Mùi bức xúc.
Một trong những chợ được quan tâm và nhắc đến đó là chợ Đồng Xuân, nơi đã xảy ra vụ cháy lịch sử năm 1994, thiệt hại hơn 300 tỷ đồng mặc dù đã được trang bị khá đầy đủ các thiết bị phòng cháy, chữa cháy nhưng ý thức của tiểu thương vẫn còn chủ quan. Theo Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân (đơn vị trực tiếp quản lý chợ Đồng Xuân) thì hiện tại chợ có 118 họng nước chữa cháy, bảo đảm có thể phun cao 30m; bể chứa nước dung tích 700m3 có hệ thống bơm tự động bằng điện, xăng; hệ thống báo và chữa cháy tự động; các tủ đựng trang phục, mũ bảo hộ dành cho lực lượng tham gia chữa cháy... Tuy nhiên, nhiều người vẫn đặt câu hỏi: Nếu xảy ra sự cố, liệu các trang thiết bị kia có phát huy được tác dụng khi mà các lối đi vẫn bị các tiểu thương chiếm dụng, thậm chí nhiều họng nước, tủ chứa bình chữa cháy bị các tiểu thương để hàng hóa che khuất. Và cũng theo ông Thủy, hằng ngày, lực lượng bảo vệ của chợ vẫn phải thường xuyên đi nhắc nhở, xử lý các vi phạm này với mức độ trung bình mỗi tháng khoảng 50 trường hợp bị xử phạt.
Nhìn lại nguyên nhân của các vụ cháy, theo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, hầu hết đều là do sự bất cẩn, thiếu ý thức của con người và chủ yếu là các nguyên nhân từ chập, cháy điện. Riêng với các chợ, TTTM, việc để đám cháy lan rộng, gây hậu quả nặng nề hầu hết là do thiếu hệ thống cảnh báo cháy, lực lượng chữa cháy tại chỗ quá mỏng hoặc lơ là trong tuần tra kiểm soát. Trong khi đó, nhiều tiểu thương lại luôn nghĩ rằng, trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy là của Ban quản lý chợ cũng như của lực lượng chức năng. Một khi còn sự bất cẩn của các tiểu thương, sự thiếu cương quyết của các ban quản lý các chợ cũng như thiếu hệ thống cảnh báo cháy cùng hệ thống chữa cháy tại chỗ thì rất khó có thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.