(HNM) - Đã từ lâu, chúng ta đã khẳng định thế mạnh của văn hóa Việt và những nét đặc sắc không hề pha trộn với bất cứ nền văn hóa nào xung quanh, cho dù đã từng chịu nhiều tác động và ảnh hưởng qua lại với nhiều quốc gia khác nhau trong lịch sử. Thậm chí, đã có cơ sở để khẳng định rằng, chúng ta đánh thắng nhiều cuộc xâm lược của các đế quốc là do thế mạnh và tầm cao của văn hóa Việt cùng tinh thần dân tộc Việt. Thế nhưng, để văn hóa thành một động lực phát triển đất nước, vẫn còn nhiều thách thức, nan giả
Công nghiệp văn hóa - Công nghiệp sáng tạo
Đối với văn nghệ sĩ, khái niệm “hoạt động văn hóa, văn nghệ” và “tố chất sáng tạo” hầu như không gắn gì với khái niệm “công nghiệp”, vì theo quan niệm từ xưa ở phương Đông, sáng tác văn học, nghệ thuật và các sáng tạo trí tuệ gắn với giá trị văn hóa, tinh thần con người… đều mang ý nghĩa cao sang, quý phái, không đánh đồng với hàng hóa. Bởi vậy, khó đưa ra khái niệm “mua bán, đặt hàng” với các sản phẩm đó, lại càng không thể coi việc sáng tạo ra nó trở thành một ngành “công nghiệp”. Và sản phẩm ra đời từ tài năng sáng tạo theo phương thức này chỉ mang tính đơn chiếc, là sản phẩm độc nhất không lặp lại ở bất cứ đâu, vì thế, vẫn mang theo thuộc tính là loại sản phẩm “thủ công”, cá thể.
Tuy nhiên, nhu cầu của xã hội hiện đại là muốn nhân bản các sản phẩm đơn chiếc và cá thể đó, để có nhiều sản phẩm hoặc dịch vụ chất lượng cao, nhằm phục vụ được đông người tiêu dùng. Từ một ý tưởng sáng tạo, nhân ra với các công đoạn hợp lý, sắp xếp thành mô hình sản xuất; từ mẫu mã đơn lẻ tạo ra thương phẩm hàng loạt, để được tổ chức phân phối, theo mạng lưới, tới tay người tiêu dùng. Vậy là hình thành một vòng khép kín của quy trình công nghiệp sản xuất và tiêu thụ, dù đó là giá trị vật thể hay phi vật thể.
Thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” theo cách vận hành ấy, được biết đến từ lâu ở các nước đã trải nghiệm nền kinh tế thị trường mạnh mẽ, có tiềm năng thu hút sức sáng tạo, đưa vào guồng quay của quy trình sản xuất, phân phối, vận hành thuần thục các dịch vụ văn hóa trong phạm vi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng một hành lang pháp lý chặt chẽ.
Từ khái niệm “công nghiệp văn hóa”, mở rộng hơn là khái niệm về “công nghiệp sáng tạo”. Nhìn tổng thể, các ngành công nghiệp sáng tạo được chia làm 12 lĩnh vực: Thiết kế mỹ thuật công nghiệp, thiết kế thời trang, nghệ thuật với các nghề thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật nghe - nhìn, nghệ thuật thị giác, xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, kiến trúc, phát thanh và truyền hình, thiết kế phần mềm và trò chơi kỹ thuật số, quảng cáo. Hệ thống này được triển khai ở nhiều nước và các lĩnh vực “công nghiệp sáng tạo” cũng mở rộng không ngừng.
Chẳng hạn, ở nước ta có thể bổ sung các ngành: Du lịch văn hóa, văn hóa ẩm thực, đông y và nam dược, sinh vật cảnh, cây cảnh, nghệ thuật non bộ, bày, tỉa, cắm hoa… Ngoài ra, còn có thể khai thác sâu thêm các khía cạnh chuyên biệt và độc đáo trong các lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể, hoặc đi sâu vào các sản phẩm một số làng nghề nổi tiếng, một số lĩnh vực độc đáo trong nghệ thuật dân gian, như: Chèo, múa rối nước, nghệ thuật cồng chiêng…, để quay thành phim, viết sách giới thiệu có hệ thống, tổ chức trình diễn, trưng bày mẫu, quảng bá ra quốc tế và kích thích du lịch.
Để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội đặc biệt quan tâm đến “công nghiệp văn hóa”, đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị về lĩnh vực này. Lãnh đạo thành phố cũng tỏ rõ quyết tâm khi đặt ra mục tiêu đưa Hà Nội trở thành một “Thành phố sáng tạo” ở tầm vóc châu Á và “công nghiệp văn hóa” phải trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, có thể đóng góp đến 8% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố (vào năm 2030) và 10% GRDP của thành phố (đến năm 2045). Đặc biệt, Hà Nội là thành phố đầu tiên trong cả nước ra nghị quyết riêng của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa (Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022). Nghị quyết đã khẳng định việc đưa văn hóa trở thành một động lực phát triển là nhu cầu tất yếu và phát huy lợi thế đặc sắc của văn hóa Thủ đô để trở thành thương hiệu có tính cạnh tranh ra toàn cầu là nhiệm vụ bức thiết.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều thách thức, có khả năng làm chậm tiến độ phát triển. Thách thức thứ nhất là hệ thống quản lý vẫn còn tản mát ở các ban, ngành, sở khác nhau.
Thách thức thứ hai là tài chính và cơ sở vật chất. Trước năm 2020, thành phố thường dành khoảng 1,8% ngân sách cho ngành Văn hóa. Mặc dù kinh phí không nhiều, nhưng nhiều khi cũng không giải ngân hết. Nếu tập trung đầu tư vào phát triển công nghiệp văn hóa, thì không thiếu gì việc để đầu tư. Trước tiên là dành kinh phí tôn tạo và nâng cấp xứng đáng các không gian văn hóa, các thiết chế văn hóa, cải tạo cơ sở hạ tầng cho văn hóa. Chủ động tạo ra các sự kiện thu hút đông khán thính giả và du khách, như các lễ hội văn hóa, hội chợ sách, các triển lãm về văn học và văn hóa dân gian, các lễ hội thời trang và ẩm thực…
Hội Nhà văn đã từng đề xuất thành lập một viện dịch thuật và quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam (cổ và kim) ra nước ngoài (Hàn Quốc đã làm, rất hiệu quả). Đồng thời, cần xuất bản ở ngay viện này một tờ tạp chí in bằng ngoại văn. Đây chính là diễn đàn quảng bá, giới thiệu mọi hoạt động của “công nghiệp văn hóa” Thủ đô cho bạn bè và du khách nước ngoài, thu hút khách đến với Thủ đô. Tạp chí cũng thông tin về các lễ hội, hội chợ sách, liên hoan điện ảnh, sân khấu, các cuộc triển lãm, bán đấu giá tranh tượng, văn vật Thủ đô, trao đổi cả việc Hà Nội nên tham gia như thế nào vào các hội sách ở Frankfurt (Đức) và Hội chợ du lịch Jata (Nhật Bản)…
Thách thức cuối cùng là vấn đề nhân lực. Muốn làm tốt văn hóa, thì phải có người có kiến thức chuyên sâu về văn hóa. Chúng ta quen sử dụng những con người “đa-giê-năng” làm văn hóa (nghĩa là mỗi thứ biết một ít, nhưng không có gì chuyên sâu). Một suy nghĩ đến nay lẽ ra không nên còn tồn tại. Vấn đề đào tạo và đào tạo lại trong văn hóa, tuy trong nghị quyết có nêu, nhưng cách thực hiện như thế nào, thì trên thực tế vẫn chưa nhìn thấy rõ. Vẫn chưa dành đủ sự quan tâm cần thiết cho xây dựng nguồn nhân lực làm văn hóa…
Chúng ta kỳ vọng, sau khi có Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy và Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 12-8-2022 của UBND thành phố, công nghiệp văn hóa và rộng hơn là công nghiệp sáng tạo có các đòn bẩy hữu hiệu để phát triển mạnh mẽ. Vấn đề đặt ra là các ngành hữu quan cần chủ động vào cuộc, nhìn ra những vướng mắc cần khắc phục, huy động các tổ chức và đoàn thể xã hội - nghề nghiệp cùng phấn đấu, để “công nghiệp văn hóa” phải trở thành một nền công nghiệp mũi nhọn của Thủ đô, có sức cạnh tranh quốc tế, góp phần tích cực đưa Hà Nội trở nên một trong các “Thành phố sáng tạo” có tầm cỡ của châu Á và thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.