Năm 2023 là năm đầy khó khăn của ngành Công nghiệp Hà Nội khi hầu hết các thị trường xuất, nhập khẩu lớn giảm sút, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Để hỗ trợ doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2024, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ...
Nỗ lực vượt khó
Nhìn lại hoạt động năm 2023, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí, công nghiệp chế tạo gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ khi tổng cầu giảm sút mạnh. Cùng với đó, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến sản phẩm giảm sức cạnh tranh…
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt chia sẻ, để tiếp tục tồn tại, mỗi một doanh nghiệp buộc phải có những giải pháp riêng để vượt khó. Đối với May 10, trước biến động của thị trường, doanh nghiệp đã tập trung đánh giá và rà soát lại hoạt động; xây dựng chiến lược định vị lại sản phẩm, thị trường; quản trị và công nghệ… cũng như đưa ra mô hình sản xuất nhằm phù hợp với bối cảnh hiện nay. Cùng với đó, May 10 tiết kiệm tối đa các chi phí để giảm giá thành… Vì vậy, dù doanh thu giảm khoảng 10% so với năm 2022, đạt khoảng 4.200 tỷ đồng, song về tổng thể, doanh nghiệp vẫn bảo toàn mọi mặt.
Đánh giá về hoạt động sản xuất của ngành Công nghiệp Thủ đô, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định, dù tình hình chung hết sức khó khăn, song sản xuất công nghiệp của Hà Nội đã xoay chiều từ suy giảm sang tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm tăng khoảng 3% so với năm 2022. Đây là mức rất đáng ghi nhận...
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, sản xuất công nghiệp khởi sắc trong giai đoạn cuối năm 2023 cho thấy những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm thị trường mới. Linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất, mở rộng mặt hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh sản phẩm cũ, thị trường cũ bị hạn chế đầu ra... đã cho thấy hiệu quả.
Tín hiệu tích cực
Liệu rằng tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ "sáng cửa" trong năm 2024?
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, với nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại trên toàn cầu, cùng các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành, sản xuất công nghiệp trong nước nói chung, của thành phố Hà Nội nói riêng đã có sự phục hồi và đón nhận thêm nhiều tín hiệu tích cực dù chưa thực sự đột biến.
Mặt khác, Việt Nam được nhận định sẽ hưởng lợi từ việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây là những nhân tố có tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu của nước ta. Ngoài ra, trong những tháng cuối năm 2023, lần lượt nhiều "ông lớn" ngành công nghiệp hỗ trợ đã công bố chiến lược tiến sâu vào thị trường Việt Nam.
Để nắm bắt những cơ hội này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp Nguyễn Văn Tuấn gợi mở, trong khó khăn, doanh nghiệp cần đẩy nhanh quá trình "số hóa", ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp cũng rất cần nhận được hỗ trợ trong lãi suất, tiếp cận vốn vay, để đón đầu và phục hồi sản xuất.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Hà Nội đã đưa ra những cam kết và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND về việc thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố năm 2024, trong đó, phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố.
Ngoài ra, thành phố chú trọng triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên...
“Thành phố sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện… tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Ngược lại, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt, đề xuất chính sách, đầu tư công nghệ, kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu…”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh:
Còn một số thủ tục gây khó
Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều giải pháp đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, tôi đánh giá cao chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Chính sách này giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng hưởng lợi. Doanh nghiệp tăng lượng hàng bán ra, trở lại đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Thời gian gần đây, Chính phủ và Quốc hội cũng đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển bền vững, phù hợp với xu thế hội nhập. Tuy nhiên, khâu thực thi rất quan trọng, nhất là ở cấp, ngành. Chúng ta áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính nhưng khâu kiểm tra, giám sát, đánh giá còn tương đối hạn chế, nên còn một số thủ tục gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, cần nhanh chóng thay đổi sang nền hành chính phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, từ những hỗ trợ của Nhà nước cũng phải chủ động tiếp cận, hoàn thiện cơ cấu tổ chức để thích ứng, nâng cao trình độ nhân lực, quản trị, cạnh tranh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Vân:
Cần dễ dàng tiếp cận nguồn vốn
Thực tế, các doanh nghiệp trong hiệp hội vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn, năng lực tài chính. Do vậy, việc tiếp vốn cho doanh nghiệp là quan trọng, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp, để phục hồi và đón đầu các cơ hội trong năm 2024. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn nhiều.
Mặc dù doanh nghiệp đã có sự phục hồi sản xuất và xuất khẩu, nhưng đến nay vẫn chưa có khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại. Chưa kể lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí... cần đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn dài.
Do vậy, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Các cơ quan cũng cần nghiên cứu để hạ các điều kiện tiếp cận vốn, cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp. Thêm vào đó là các giải pháp kết nối để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiệp hội cũng đã tổ chức nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp với Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông:
Môi trường lao động tốt tạo động lực cho công nhân
Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng chúng tôi cảm thấy rất vui vì công ty vẫn duy trì đủ lương tháng 13 và thưởng Tết, thưởng thâm niên. Công đoàn Công ty thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, đang điều trị dài ngày 1-2 triệu đồng/người; đề xuất danh sách các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn để Công đoàn cấp trên hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán.
Ngoài tiền thưởng Tết, mỗi lao động được tặng một túi quà Tết gồm 10kg gạo, bánh, kẹo. Được quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần nên công nhân phấn khởi, yên tâm làm việc, cống hiến cho công ty, thi đua sáng tạo, tăng năng suất lao động ngay từ những ngày đầu năm. Tất cả cùng đồng lòng quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch sản xuất năm 2024. Sự quan tâm, hỗ trợ và tôn trọng ý kiến của người lao động thực sự tạo nên một môi trường làm việc lý tưởng, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn và là động lực để chúng tôi cố gắng hơn.
Quang Minh ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.