(HNMO) - Với người dùng điện thoại thông minh, nỗi sợ vỡ màn hình cũng như khoản chi phí không nhỏ để sửa chữa sau đó luôn ám ảnh thường trực.
Trong khi đó, không phải ai cũng hứng thú với việc sử dụng những tấm bảo vệ dày cộp trên những màn hình siêu mỏng đời mới. Chính vì vậy, những phát kiến mới của các nhà khoa học Nhật Bản về loại vật liệu Polymer có thể tự hàn kín các đường nứt vỡ hứa hẹn sẽ "thay đổi cuộc chơi", tạo ra các loại màn hình siêu bền bỉ.
Được phát triển bởi đội ngũ các nhà nghiên cứu của trường Đại học Tokyo do Giáo sư Takuzo Aida dẫn dắt, dự án nghiên cứu đã tạo ra loại polymer "polyether-thioureas" với độ cứng tương đương với thủy tinh, nhưng có thể tự vá chỉ với lực ép của tay không. Điều này khác hẳn với nhiều loại vật liệu cứng khác, vốn thường phải viện tới nhiệt độ cao (trên 120 độ C) để hàn gắn lại sau khi vỡ.
Điều thú vị về sự ra đời của vật liệu polymer thủy tinh đặc biệt này đến từ một sai sót nhỏ do nghiên cứu sinh Yu Yanagisawa tạo ra. Trong thí nghiệm của mình, Yanagisawa cho rằng vật liệu mới có thể sẽ là loại keo khi phát hiện ra các đoạn bị cắt của nó có thể tự gắn lại, hình thành một khối cứng chỉ bằng cách dùng tay ấn vào nhau (ở 21 độ C).
Dĩ nhiên, đây không phải lần đầu tiên những công nghệ tự hàn gắn được áp dụng trên điện thoại hiện đại. Gần đây, một số nhà sản xuất đã tung ra các tấm dán màn hình có thể tự lành, trong khi Motorola cũng đã đăng ký sở hữu một sáng chế về màn hình tự sửa. Tuy nhiên, sự hiện diện của polymer thủy tinh mới được giới chuyên môn đánh giá là cuộc cách mạng thực sự, có thể tống khứ nỗi lo vỡ màn hình và chi phí sửa chữa vào dĩ vãng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.