(HNMO) - Vài năm qua là giai đoạn sôi động của ô tô tự hành, với hầu hết tên tuổi lớn trên thế giới đều ít nhiều bày tỏ sự quan tâm tới lĩnh vực công nghệ mới mẻ này, nhưng giờ đây tình hình đã thay đổi hoàn toàn.
Về lý thuyết, xe tự hành có nhiều kịch bản ứng dụng hấp dẫn, như cho phép tài xế thư giãn trên xe mà không cần “đụng tay chân” vào các cơ chế lái. Chiếc xe khi đó sẽ tự luồn lách qua các đường phố đông đúc để đưa chủ nhân tới đích. Tuy nhiên, khoảng cách từ giấc mơ này tới thực tế dường như vẫn quá lớn.
Waymo, từng là tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực xe tự hành với nhiều bước tiến đáng chú ý kể từ năm 2018, mới đây thừa nhận sự tồn tại của quá nhiều rào cản. Tháng 4-2023, các nhà nghiên cứu tại công ty cùng thuộc tập đoàn mẹ Alphabet với Google này đã rất bất ngờ khi xe sử dụng công nghệ của họ không thể tính toán xử lý được trước màn sương mù dày đặc tại California (Mỹ) - một trong những “thiên đường” phát triển công nghệ xe tự hành.
Trong khi đó, xe của Cruise - bộ phận nghiên cứu công nghệ tự hành thuộc General Motors (GM) - đã va chạm sau khi không thể phán đoán và phản ứng phù hợp với một chiếc xe bus di chuyển vòng vèo phía trước. Sự cố này buộc Cruise phải triệu hồi toàn bộ 300 taxi tự hành vốn trước đó được tung ra để phục vụ hành khách tại thành phố San Francisco.
Chưa dừng ở đó, một số xe của Cruise cũng bị mắc kẹt, sau khi các camera và cảm biển trên xe chưa đủ năng lực để nhận biết được nhiều dây cáp bị tung ra đường do cơn bão. Theo các chuyên gia, dù máy tính trên ô tô có thể tính toán nhanh hơn đáng kể so với con người, nhưng hầu như bất lực trong việc ứng phó các “biến số” phát sinh bất ngờ trên đường.
Về phần mình, Tesla - lá cờ đầu trong lĩnh vực ô tô tự hành - gần đây ngày càng vấp phải nhiều rắc rối trong việc phát triển giải pháp riêng mang tên Autopilot. Hồi tháng 2, cơ quan chức năng Mỹ đã buộc hãng xe điện này phải triệu hồi gần 363.000 xe trong bối cảnh hệ thống Autopilot xử lý lộn xộn khi tiến vào đường giao nhau, đồng thời thường xuyên vi phạm các quy định về giới hạn tốc độ.
Trước đó, Autopilot cũng bị chỉ trích về việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn đối với trẻ em, sau khi không thể nhận biết một hình nhân có kích thước trẻ em ở tốc độ 40km/h. Hiện tại, Cơ quan an toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) cũng đang điều tra về khả năng buộc Tesla phải gỡ bỏ cảm biến radar trước sau khi nhiều xe của hãng bất ngờ phanh không có lý do, dẫn tới nhiều vụ tai nạn.
Hàng loạt rủi ro đến từ các giải pháp ô tô tự hành cũng đã khiến các nhà làm luật lo lắng, và thực tế đã có những biện pháp hạn chế. Tháng 1-2023, cơ quan quản lý giao thông đường bộ San Francisco đã đề xuất tới chính quyền bang California trong việc hạn chế các dự án tham vọng của Cruise và Waymo trước khi xảy ra thêm các rắc rối mới.
Trong khi đó, sự cần thiết của công nghệ xe tự hành hoàn toàn vẫn là dấu hỏi lớn. NHTSA nhận định, xe tự hành gần như không thể thay thế được con người, đặc biệt là trên khía cạnh an toàn. Theo cơ quan này, tỉ lệ rủi ro va chạm của một lái xe tại Mỹ vào khoảng 1 lần/1 triệu kilômét, đồng nghĩa một chiếc xe tự hành phải chứng minh được mức độ an toàn trên hành trình trên 99,999819%, tức gần như bất khả thi.
Một số ý kiến từ giới chuyên môn cũng ủng hộ việc phát triển các giải pháp hỗ trợ để việc điều khiển xe của con người trở nên an toàn hơn, thay vì phó mặc số phận cho các giải pháp công nghệ.
Hàng loạt thách thức như trên đang khiến các nỗ lực phát triển công nghệ ô tô tự hành đi vào ngõ cụt. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã biến mất hoặc có số phận không mấy sáng sủa. Uber thậm chí “tặng không” bộ phận xe tự hành của mình cho Aurora, trong khi Lyft đã bị bán lại cho một công ty con của Toyota.
Đáng chú ý, cuối năm 2022, Ford và Volkswagen đồng loạt rút vốn khỏi Argo - một công ty khởi nghiệp tại Puttsburgh (Mỹ) về xe tự hành. Trước đó, Ford đã đầu tư hơn 1 tỷ USD, trong khi Volkswagen cũng đầu tư 2,6 tỷ USD. Tuy nhiên, giờ đây cả hai "ông lớn" trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đều thừa nhận giải pháp xe tự hành “không còn đáng để đầu tư, đồng thời cho biết sẽ tập trung vào việc phát triển các công nghệ hỗ trợ người lái.
Theo số liệu do Jalopnik đưa ra, nguồn đầu tư cho các công nghệ tự hành trên ô tô đã giảm khoảng 60% trong năm 2022, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn đều “hãm” các dự án liên quan. Softbank là một ví dụ, khi công ty này đã báo lỗ tới 23 tỷ USD vì những khoản đầu tư vào các doanh nghiệp nghiên cứu xe tự hành.
Trong khi đó, theo McKinsey & Co, các nhà đầu tư đã chi khoảng 100 tỷ USD cho các nỗ lực nghiên cứu xe tự hành, nhưng “không đi đến đâu” và giờ đã hết kiên nhẫn. Việc mất đi các nguồn lực tài chính hậu thuẫn đang cắt đứt mọi bước tiến trong hầu hết các dự án phát triển xe tự hành, ngay cả những ứng viên tiềm năng nhất.
Dĩ nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các công nghệ tự hành hoàn toàn vô tích sự, bởi thực tế chúng vẫn có những ứng dụng nhất định. Toyota hiện hợp tác với NVIDIA để hỗ trợ Forretelix - một doanh nghiệp Israel - trong việc phát triển các hệ thống hỗ trợ người lái và tự hành toàn diện hoàn toàn mới.
Forretelix - vốn cũng kinh doanh xe tải nặng của Daimler và Volvo - mong muốn công nghệ tự hành có thể giúp những chiếc xe chở hàng của họ di chuyển hiệu quả hơn trên các tuyến đường dài, cao tốc… Công nghệ tự hành cũng được đánh giá là có triển vọng các không gian khép kín, như nhà xưởng, bến bãi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.