(HNM) - Công nghệ in 3D (3D Printing) hay tên gọi khác là AM (Additive Manufacturing) là một trong những công nghệ đang được quan tâm phát triển hàng đầu hiện nay. In 3D có tiềm năng ứng dụng ngày càng lớn trong rất nhiều lĩnh vực như: Xây dựng, công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử, công nghiệp năng lượng, công nghiệp hàng không vũ trụ, y tế… hay những lĩnh vực phục vụ đời sống hằng ngày.
Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, công nghệ in 3D được phát triển như một giải pháp tạo mẫu nhanh. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, công nghệ in 3D mới chỉ có những bước đi nhỏ, song trong thập kỷ vừa qua, hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ in 3D đã phát triển sôi động. Hiện tại, công nghệ in 3D đóng vai trò là một trong những công nghệ quan trọng nhất, có tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Nếu cách thức sản xuất sản phẩm truyền thống được hình thành trong nhiều thế kỷ sử dụng các quy trình sản xuất như rèn, đúc, gia công cắt gọt…, thì công nghệ in 3D đưa ra một cách tiếp cận mới. Theo đó, các lớp vật liệu mỏng được đặt chồng lên nhau cho đến khi tạo thành một vật thể ba chiều hoàn chỉnh. Cách tiếp cận mới này tương thích với nhiều loại vật liệu, từ kim loại, phi kim đến tế bào sống và có tiềm năng ứng dụng trong rất nhiều ngành công nghiệp. Hiện 3 lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ in 3D hoặc đang xem xét áp dụng công nghệ này trong tương lai là: Lĩnh vực hàng không vũ trụ, lĩnh vực hàng tiêu dùng và ngành công nghiệp hóa chất/vật liệu.
Mặc dù công nghệ in 3D đã có mặt trong khá nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, nhưng theo các chuyên gia, việc ứng dụng vẫn chủ yếu mang tính chất thử nghiệm. Phần lớn các công ty in 3D ở Việt Nam nhập khẩu giải pháp và thiết bị có sẵn để đáp ứng nhu cầu sản xuất/dịch vụ và bước đầu tìm kiếm, xây dựng thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.