Nông nghiệp - Nông thôn

Công nghệ bảo tồn, phát triển giống cần gắn với nông nghiệp đa giá trị

Bạch Thanh thực hiện 03/03/2024 11:05

HADICO hiện đang tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật bảo tồn, phát triển giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái...

Để cung cấp thêm thông tin liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Đảng ủy, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) Dương Thành Chung.

tgd-hadico2.jpg
Ông Dương Thành Chung.

Đi đầu trong sản xuất giống đặc sản, chất lượng cao

- HADICO đã tiên phong trong xây dựng mô hình sản xuất, tiêu thụ rau an toàn; phát triển bộ giống lúa chất lượng cao; bảo tồn, nhân rộng giống gà Mía… Xin ông cho biết, hoạt động này cụ thể như thế nào?

- Là doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động đa ngành nghề, công ty đang thực hiện lưu giữ một số giống cây trồng, vật nuôi giống gốc, bảo tồn các loại giống cây trồng, vật nuôi đặc sản như bưởi Diễn, gà Mía; cung cấp nông sản sạch (rau củ quả VietGAP, rau hữu cơ, thịt gà Mía tươi theo tiêu chuẩn VietGAHP, thịt lợn sinh học…).

Đối với sản phẩm rau an toàn, công ty là một trong những đơn vị đầu tiên tại Hà Nội xây dựng, phát triển chương trình, dự án bằng nghiên cứu, khảo nghiệm loại rau bản địa như rau thơm, củ cải, cải bẹ Đông Dư; nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản như ớt chuông, súp lơ, cải thảo, cà chua, các loại bí, dưa lưới...

Ngoài sản xuất, đơn vị còn tổ chức liên kết với các địa phương tiêu thụ sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, rau hữu cơ, cung cấp cho các bếp ăn, trường học, siêu thị... Mỗi năm, sản lượng cung ứng của đơn vị đạt hàng nghìn tấn rau củ quả.

Bên cạnh đó, công ty thực hiện cung cấp hạt giống rau, chỉ đạo kỹ thuật, giám sát canh tác, bao tiêu sản phẩm cho các mô hình sản xuất; kiểm soát nguồn gốc mô hình tại các địa phương: Xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), xã Văn Đức (huyện Gia Lâm); huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Đối với sản phẩm gà Mía là giống bản địa ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), khi xưa dùng để tiến vua, công ty xác định việc bảo tồn, duy trì, phát triển nguồn gen gà quý hiếm gắn với địa danh Làng cổ Đường Lâm và các di tích lịch sử nên tập trung thực hiện. Công ty giao Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm có chức năng nhiệm vụ nghiên cứu, lai tạo nhiều giống gà chất lượng cao như gà ta lai, gà lai giống “bố” Mía - “mẹ” Phượng, gà thả vườn và một số giống gà quý hiếm khác.

Xí nghiệp đang chăm sóc đàn gà Mía thuần giống gốc khoảng 100.000 con theo quy trình đặc biệt. Khu lò ấp của đơn vị được đầu tư máy ấp, máy nở hiện đại, mỗi năm cung cấp cho người chăn nuôi khoảng 6 triệu con giống gà Mía. Ngoài ra, công ty nghiên cứu, triển khai chuỗi sản phẩm gà Mía thương phẩm của HADICO bảo đảm an toàn, dự kiến liên kết với các nhà hàng, siêu thị, đơn vị kinh doanh thực phẩm cao cấp tại Hà Nội để phát triển sản phẩm này ngay trong năm 2024...

- Hà Nội đang hướng tới xây dựng các mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững, là một trong những “đầu tàu” kinh tế nông nghiệp của Thủ đô, công ty “chuyển mình” ra sao, thưa ông?

- Thời gian qua, công ty chỉ đạo các đơn vị thành viên như Xí nghiệp Bắc Hà, Công ty Giống Hà Nội… tập trung cung cấp lương thực, thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; cung cấp sản phẩm sinh vật cảnh, cây công trình cho thành phố; cung cấp nguyên vật liệu, giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chất lượng tốt với hàm lượng khoa học cao cho các vùng chăn nuôi trọng điểm...

Xác định nông nghiệp Thủ đô là nông nghiệp đô thị, sinh thái, đơn vị định hướng, hỗ trợ các đơn vị thành viên tập trung ưu tiên chương trình liên kết nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, liên kết với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, du lịch nông nghiệp... Đơn vị tập trung vào các dự án chọn tạo, nhân giống theo hướng phòng, chống dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu, mang tính đặc sản, giá trị cao...

Điển hình, công ty áp dụng công nghệ mới nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống lúa có hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh; kết hợp với các đơn vị nghiên cứu chăn nuôi lợn công nghệ cao có sự tư vấn từ các chuyên gia sinh học hàng đầu thế giới để sản xuất lợn giống bằng công nghệ tiên tiến (IVF) bảo đảm đạt chuẩn; tổ chức chăn nuôi, chuyển giao công nghệ “Trang trại zero chất thải” (chất thải được xử lý khép kín, sản xuất phân bón...).

tgd-hadico6.jpg
Phó Bí thư Đảng ủy, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty HADICO Dương Thành Chung.

- Từ những kết quả tích cực, kinh nghiệm rút ra là gì, thưa ông?

- Theo tôi, có được kết quả trên chính là nhờ công ty tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các đơn vị trong công ty; gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Công ty tập trung quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên đất đai và tài sản được giao, sử dụng có hiệu quả; gắn quyền lợi với trách nhiệm quản lý. Các vùng thâm canh của đơn vị từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động gắn với công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ, liên kết chuỗi...

Công ty cũng quyết liệt giải quyết cơ bản vướng mắc về đất ở, đất sản xuất, bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân; không ngừng cải thiện chất lượng đời sống người lao động trong công ty…

Nông nghiệp đa giá trị gắn với quy hoạch đô thị, sinh thái

-Vậy những khó khăn, trở ngại mà Công ty đang gặp phải thì sao, thưa ông?

- Công ty đang quản lý quỹ đất lớn (2.241ha) nằm trên địa giới hành chính 6 quận, huyện thuộc 3 tỉnh, thành phố: Hòa Bình (621,19ha), Bắc Ninh (308,68ha), Hà Nội (1.311,13ha). Địa bàn rộng, mỗi địa phương có phương thức quản lý khác nhau nên khó tập trung phát triển. Mặt khác, công nghệ luôn đổi mới, để đầu tư bài bản, trở thành mô hình điểm cần nguồn vốn rất lớn…

Với định hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô cũng như mục đích của công ty đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến tương lai cũng là thách thức không nhỏ. Do đó, rất cần sự hỗ trợ từ các cấp quản lý về cơ chế, chính sách, nguồn vốn, nhân lực... Hiện nay, công ty quản lý đất sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, phương án sử dụng đất của công ty chưa được phê duyệt do sự thay đổi về cơ chế chính sách của Nhà nước; đất đai của công ty đa phần có nguồn gốc từ nông lâm trường, trạm trại nên việc chuyển đổi, giá thuê đất… đang là rào cản. Hy vọng, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) sắp có hiệu lực sẽ tháo gỡ phần nào khó khăn cho công ty.

- Ông có thể chia sẻ định hướng, mục tiêu phát triển của công ty là gì?

- Dựa trên quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô sửa đổi, công ty đang tiến hành sắp xếp đổi mới phù hợp tiến trình phát triển chung của đất nước và thành phố; nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng tăng giá trị, bền vững. Trước mắt, công ty tập trung quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài sản trên đất, gắn sản xuất với chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa; tạo việc làm cho người lao động và người dân địa phương; duy trì mối liên hệ chặt chẽ giữa lao động nhận khoán với công ty, nâng cao ý thức sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, hạn chế tình trạng lấn chiếm đất, ổn định sản xuất...

Bên cạnh đó, đơn vị phát huy tiềm lực về đất đai, con người; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phương thức sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với chế biến, tiêu thụ, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch; phát triển nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động; phát huy thế mạnh trong đầu tư mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, khai thác mọi nguồn lực cho sản xuất nông sản, thực phẩm sạch phục vụ người dân; xây dựng thành công các khu nông nghiệp công nghệ cao, khu vui chơi, du lịch sinh thái kết hợp học tập, nghỉ dưỡng...

Về lâu dài, đơn vị thực hiện quy hoạch bài bản vùng sản xuất hiện có theo hướng hình thành vùng hàng hóa chuyên canh, vành đai xanh, du lịch nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phức hợp đa giá trị... Đối với các quận, huyện đô thị hóa mạnh như Bắc Từ Liêm, Đông Anh…, trên nền tảng hạ tầng cây xanh, vườn ươm, bảo tồn đa dạng sinh học được công ty đầu tư nhiều năm qua với hệ thống thảm thực vật phong phú (hơn 300 loài) sẽ phát triển thành trung tâm sinh thái, du lịch trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn của Thủ đô...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ bảo tồn, phát triển giống cần gắn với nông nghiệp đa giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.