Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công này, đức này tiếng để ngàn thu

Trần Văn Mỹ| 09/05/2010 07:41

(HNM) - Đặng Văn Hòa, hiệu Lễ Trai, sinh năm Tân Hợi (1791) tại làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên, đỗ hương cống khoa thi hương đầu tiên đời Gia Long (1813), ra làm quan từ năm 1814.

Khuê Văn Các ở Văn Miếu đã được ông Đặng Văn Hòa cho sửa vào năm 1837. Ảnh: Linh Tâm


Từ năm thứ 9 đời Minh Mạng (1828), ông đã có duyên nợ đặc biệt với Hà Nội, lúc bấy giờ mang tên Bắc Thành. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng: Tham tri Binh tào và Hộ tào tại Bắc Thành, quyền Tổng trấn Bắc Thành, được cử làm chủ khảo khoa thi hương Mậu Tý (1828) Trường Bắc Thành. Trong thời gian đảm nhận chức chủ khảo, ông làm được một việc gây cảm tình đặc biệt trong lòng sĩ tử Hà Nội. Số là trước đây phép thi ở kỳ thứ nhất về Kinh nghĩa, bài chỉ làm theo lối “học quy”, đến khoa thi này đổi dùng văn “bát cổ”. Các sĩ tử rất lo sợ vì chưa được luyện, ông bèn tâu ngay về triều xin vua gia ân cho phép tùy dùng lối “học quy” hay “bát cổ” cũng đều được cả. Nghe tin, sĩ tử reo mừng rầm đường. Ngày vào trường thi, sĩ tử và người đến xem đông nghịt.

Năm 1830, ông giữ việc Hộ (coi sổ sách quân dân) ở Bắc Thành, trước tình thế trong ngoài bất ổn, ông tự mình đặt kế sách đối phó với nhà Thanh, ngăn chặn đem tiền giả mang sang ta để mua hàng, định lại thuế cho lái buôn nhà Thanh và cấm họ mang thuốc phiện sang bán. Năm 1831, ông cầm quân lên Lai Châu đánh quân Thanh xâm phạm biên giới và lấy lại đồn Phong Thổ. Khi Vua Minh Mạng đổi tên Bắc Thành thành tỉnh Hà Nội, bãi bỏ chức Tổng trấn, đã bổ nhiệm ông làm Tổng đốc Hà Nội.

Ngay sau khi nhậm chức, ông đã cho vẽ ngay bản đồ Hà Nội, mở rộng đường thiên lý từ Hà Nội đến Phú Xuyên và dựng trường thi Hà Nội ở khu vực Thư viện quốc gia ngày nay.

Là người thấm nhuần đạo Nho, là vị quan đầu tỉnh, Tổng đốc Đặng Văn Hòa, trong hành xử, luôn lấy việc lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ làm lẽ sống và coi nỗi khổ của dân là nỗi khổ của chính mình. Để đỡ phần nào gánh nặng cho dân, ông cho mở rộng tịch điền, dành đất cho các quan tự cày cấy và dựng buồng nuôi tằm ở gần dinh thự để tiện chăm sóc. Mỗi lần đi qua những vùng đất trống, ông cho dừng kiệu để hỏi quan bản hạt vì sao lại bỏ đất hoang.

Năm 1835, ông được thăng Thái tử Thiếu bảo, hàm Thượng thư bộ Binh, vẫn giữ chức Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình, kiêm Hữu đô ngự sử Viện đô sát, trực tiếp xét xử vụ án Trần Thế Nho can tội lũng lạm và lấy binh lính làm việc cho gia đình.

Thương dân vất vả, ông xin với triều đình bỏ thuế vải, thuế dầu thắp, lại xin cho mấy huyện vùng chiêm được nộp thóc tô vào vụ hạ, nộp thuế vào vụ đông. Vùng Kim Sơn, Ninh Bình bị bão lớn, ông tổ chức phát chẩn cho dân và sửa đê quai ngăn nước mặn.

Đặng Văn Hòa là người có nhiều tâm huyết với các di tích trên đất Thăng Long. Năm 1837, ông cho sửa Khuê văn các ở Văn miếu. Năm 1838, trước cảnh chùa Diên Hựu đổ nát, ông quyên góp tiền thập phương và giao cho con trai là Ngự y Đặng Tá trông nom việc sửa chữa tiền đường, hành lang tả hữu, gác chuông và tam quan.

Ngày ấy, nhà cửa ở Hà Nội thường làm bằng tre gỗ, ông đã cho sắp xếp lại đường phố. Mỗi khi nhà dân bị cháy, ông cưỡi voi đốc thúc binh lính và cùng dân chữa cháy, lại tổ chức cứu trợ ngay cho các gia đình bị nạn, nghiêm cấm nha lại không được tơ hào đồng tiền bát gạo của dân. Năm 1838, ông xin lập miếu Hỏa thần ba gian ở thôn Yên Nội, huyện Thọ Xương (nay ở 30 phố Hàng Điếu). Tại đây còn bút tích của Đặng Văn Hòa với bốn chữ “Vị dân chí kế” và đôi câu đối nói lên ý chí và trách nhiệm của mình trước vua và trước dân:

Túc hỏa lương trù khâm thánh doãn,
Vị dân chí kế tự thần tri.

Hằng năm, tại đền có tổ chức lễ tế Hỏa thần vào mùa xuân và mùa thu. Hằng ngày, tại đền có đánh chuông thờ thần, cũng nhằm nhắc nhở nhân dân đề phòng hỏa hoạn.

Sau 5 năm làm Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình, Đặng Văn Hòa được điều về kinh làm Thượng thư bộ Công, kiêm phụ trách Viện Hàn lâm, tham gia Viên cơ mật. Năm 1846, ông lại được vua điều trở lại làm Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình lần thứ hai.

Từ khi thành lập tỉnh Hà Nội, triều đình đã bỏ chức Đê chính, nhưng ông vẫn quan tâm đặc biệt đến đê điều, có kế hoạch giao từng đoạn đê cho các địa phương duy tu bảo vệ. Vào mùa nước lên, ông sai làm cột thủy chí theo dõi mực nước, sáng chiều báo lên quan trên kịp thời đối phó. Ông cho tu bổ đê tại các hạt Từ Liêm, Vĩnh Thuận, Thọ Xương, Nam Xang, Thanh Liêm, Bình Lục. Chính Đặng Văn Hòa là người chủ trương giữ đê.

Năm 1847, ông cho khơi sâu lòng hào quanh bãi chiến trường xưa, lấy 15 mẫu đất ở hai trại Nam Đồng và Thịnh Quang làm nghĩa địa, cho thu nhặt hài cốt lập thành 13 gò đống, lại sai dựng chùa đúc chuông cúng các cô hồn. Nay ở lối vào chùa Đồng Quang (phố Tây Sơn, quận Đống Đa) vẫn còn di tích có đắp nổi bốn chữ: “Nghĩa chủng lệ đàn” (Đàn cúng cô hồn). Trong chùa còn bia đá tạo năm 1856, văn do Đốc học Thanh Hóa là Lê Duy Trung soạn, viết: “Quân Tây Sơn giao chiến với quân của Thái thú Điền Châu Tôn Sĩ Nghị, quân Thanh chết hàng vạn chôn ở khu vực này. Thời Thiệu Trị, Tổng đốc Đặng Văn Hòa đã cho thu hài cốt và lập nên Nghĩa chủng”.

Đặng Văn Hòa làm quan đại thần, phục vụ bốn đời vua triều Nguyễn, có lòng thương dân, biết trọng người hiền, Cao Bá Quát từng là môn khách. Là người đứng đầu Viện Hàn lâm, Đặng Văn Hòa còn giữ việc chủ biên các bộ sách lớn như: Nam thổ anh hoa lục, Thiệu Trị văn quy, Đại Nam sự lệ hội điển…

Đặng Văn Hòa còn để lại 75 bài thơ trong tập Lễ Trai thi chân bản. Bài thơ Mong được mùa đã thể hiện cốt cách và lòng thương dân của ông:

Lo cho dân lòng như lửa đốt
Canh khuya suy nghĩ vương vấn, khó yên giấc
Mùa mất thì thương xóm làng đau khổ.

Tổng đốc Hà Nội Đặng Văn Hòa suốt đời sống thanh liêm, được vua yêu, dân mến. Vua Minh Mạng khen: “Tài cao đức trọng, giỏi chính sự, khéo khuyến khích hướng dẫn nhân dân, khiến nhân dân yên vui làm ăn”. Năm 1851, khi làm Thượng thư bộ Hình, ông được vua Tự Đức ban Kim khánh có khắc bốn chữ Cựu đức thuần thành (Đức xưa rất mực thành thục”. Nhân dân Thừa Thiên có câu truyền tụng: Bác ngạn thanh liêm/Đường xuyên trung ái.

Hoàng giáp Lê Đình Diên, Đốc học Hà Nội, trong bài tựa cuốn Nhĩ, Hoàng di ái của Đặng Huy Trứ đã viết: “Diên tôi hồi còn trẻ ở Nam Định từng được nghe vang danh Tổng đốc họ Đặng. Ngài thực là một bậc danh gia cự phách, ở ngôi tứ trụ của triều đình làm rạng rỡ cho gia tộc và có thể làm khuôn mẫu cho các bậc mũ áo…”.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tạo ở Đông Ngạc, huyện Từ Liêm viết: “Tướng công Lễ Trai dáng mạo khôi ngô, cao lớn, lại giữ yên đất nước, lo cho dân chẳng khác gì thần Chân Vũ. Thần che chở cho dân nơi cõi âm. Tướng công giúp dân nơi dương thế. Dân tộc kính người như thần, nên ca ngợi và suy tôn là Thánh Đồng Đen”.

Đặng Văn Hòa hai lần làm Tổng đốc Hà Nội, cộng thời gian là 14 năm, mất ngày 22 tháng 6 năm Bính Thìn (1856), thọ 66 tuổi, bài vị ông được đưa vào đền Hiền Lương, nơi thờ các công thần triều Nguyễn. Dân làng Thanh Lương, đã tạc tượng Đặng Văn Hòa thờ tại ngôi chùa làng. Ông ngồi trên bệ sen, tay lần tràng hạt, vẻ mặt hiền từ...

Năm 1996, tại lễ kỷ niệm 205 năm ngày sinh và 140 năm ngày mất của Đặng Văn Hòa, nhà thơ lão thành Chu Hà đã có thơ tưởng niệm:

“Vị dân chí kế”, “Thánh Đồng Đen”,
“Cựu đức” sao Khuê, tượng tạc truyền.
“Dân hữu cơ hàn” lòng lửa đốt,
Nước lâm tai họa, giấc sao yên.
Nhĩ, Hoàng sóng dậy ân, tình, nghĩa,
Bồ, Đỉnh dòng tuôn trí, đức, liêm.
Một Cột, Khuê Văn còn mãi mãi

Nghìn năm công đức rạng tiên hiền!

Một đời sống vì dân, ông xứng đáng được nhận lời khắc trên bia đá hiện còn ở chùa Một Cột (Hà Nội): “Công này, đức này tiếng để ngàn thu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công này, đức này tiếng để ngàn thu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.