Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cống hiến cho Ngày hội

Minh Ngọc| 22/05/2011 08:08

(HNM) - Tiếng loa tuyên truyền bầu cử từ xe lưu động, từ đài phát thanh phường, xã đang thúc giục, lời ca tiếng hát từ các sân khấu lớn nhỏ đang cổ vũ công dân Việt Nam đến các điểm bỏ phiếu để tự mình lựa chọn những người ưu tú nhất đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của chính mình…


Sôi nổi tuyên truyền


Chương trình nghệ thuật “Còn lại với thời gian” do Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN



Tin tưởng, hy vọng thành công của ngày tổng tuyển cử lớn nhất từ trước đến nay, chính quyền cùng nhân dân các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông… chỉnh trang đường phố, trang hoàng nhà cửa sạch đẹp hơn mọi ngày. Đường phố đỏ cờ hoa, còn trong mỗi nếp nhà người dân bàn bạc xem lựa chọn đại biểu nào cho xứng đáng nhất. Trên sân khấu đền Bà Kiệu, hàng chục diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội đã trình diễn các trích đoạn chèo cổ đặc sắc như "Thị Màu lên chùa", "Từ Thức gặp Tiên" cùng nhiều tiết mục ca múa nhạc mang giai điệu chèo tuyên truyền bầu cử vào tối qua (21-5) như cổ vũ, nhắc nhở mỗi người dân Thủ đô dù vui đến mấy cũng đừng quên nghĩa vụ, quyền lợi công dân của mình. Cách sân khấu đền Bà Kiệu không xa, Đoàn Xiếc Hà Nội cũng trình diễn nhiều tiết mục xiếc người, xiếc thú đặc sắc phục vụ công chúng Thủ đô tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Xen kẽ chương trình là một số tiết mục tạp kỹ, võ thuật, hiphop mang đến tiếng cười sảng khoái cho người dân trước ngày bầu cử.

Xa hơn, ở quê hương Hai Bà Trưng anh hùng, ông Nguyễn Huy Sơn, Giám đốc Nhà văn hóa thể thao huyện Mê Linh cho biết: Huyện đã dựng 32 panô, căng 180 băng rôn, treo 500 hồng kỳ, cờ nheo khắp các xã, thị trấn. Trong những ngày này, huyện cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật tuyên truyền bầu cử. Riêng ở huyện miền núi Ba Vì, người dân xã Khánh Thượng sẽ mở hội cồng chiêng với "Tiếng cồng gọi bạn", "Tiếng cồng ngày xuân", "Hội vui trên đất Mường" vào sáng nay gọi người dân ngừng làm nương, nghỉ làm rẫy đến trụ sở UBND xã thực hiện quyền công dân và vui hội non sông. Để đồng bào các dân tộc huyện Ba Vì hiểu được ý nghĩa của ngày bầu cử, Đài truyền thanh huyện đã xây dựng 24 chương trình, phát gần 300 tin, bài về bầu cử trên hệ thống đài truyền thanh. Xe tuyên truyền lưu động vào từng ngõ ngách của 31 xã, thị trấn.

Đặc biệt, chương trình nghệ thuật mang chủ đề "Ngày hội non sông" diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối qua với các ca khúc đi cùng năm tháng về bầu cử như: "Ngày hội non sông", "Ngày hội đầu tiên", "Bài ca Quốc hội Việt Nam"... qua giọng hát của các NSND Quang Thọ, Thu Hiền; ca sĩ Mỹ Linh, Hoàng Chi, Hồng Hạnh... đã tạo thêm sự phấn chấn cho người dân Thủ đô trước khi cầm lá phiếu.

Nhiệt tình cống hiến

Cùng với lời ca tiếng hát, nhiều cuộc triển lãm về các kỳ bầu cử Quốc hội đã diễn ra trên địa bàn Thủ đô và nhiều nơi khác. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử năm 1960 tại Hà Nội có tác động mạnh mẽ đến cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế qua cuộc triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu cử". Còn tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, triển lãm "65 năm Quốc hội Việt Nam" với gần 600 cuốn sách và hơn 50 bức ảnh được chọn lọc trong tổng số gần 2 triệu đơn vị tư liệu của thư viện thu hút hàng trăm lượt bạn đọc mỗi ngày. Em Nguyễn Ngọc Linh, khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cho biết: "Từ khi khai mạc triển lãm (18-5) đến nay, ngày nào em cũng đến để tìm hiểu thêm tư liệu cho việc hoàn thiện khóa luận tốt nghiệp về vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội Việt Nam; đồng thời thông tin từ triển lãm cũng giúp em biết cách thực hiện quyền công dân sao cho đúng". Bộ ảnh về các kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND do Bảo tàng Hồ Chí Minh phát hành dán tại các điểm bỏ phiếu, các khu dân cư cũng thu hút sự chú ý của đông đảo cử tri.

Góp phần làm nên điểm nhấn cho ngày hội non sông không thể không nói đến là những người dày công sáng tác tranh cổ động tuyên truyền bầu cử. Đây là đề tài khó bởi để có được một bức tranh đạt hiệu quả tuyên truyền, người vẽ vừa phải hiểu về công tác bầu cử, vừa phải có óc sáng tạo. Vậy mà, chỉ trong một thời gian ngắn phát động, Cục Văn hóa cơ sở đã nhận được 580 tác phẩm của 336 tác giả từ khắp mọi miền đất nước đủ để thấy sự quan tâm đặc biệt của giới họa sĩ tới sự kiện trọng đại này. Như họa sĩ Trịnh Bá Quát (3 lần đoạt giải tranh cổ động bầu cử) chia sẻ: "Mỗi lần thấy có cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền bầu cử, tôi như bị bỏ bùa. Tôi đã thức trắng nhiều đêm, đọc rất nhiều sách báo tìm hiểu về trang phục các dân tộc mới có thể hoàn thành bức tranh cổ động có 5 người trong trang phục truyền thống đang múa hát trên tấm thảm, tượng trưng cho tình đoàn kết 54 dân tộc, cho sự phát triển bền vững của đất nước trước kỳ bầu cử năm nay". Còn em Nguyễn Thị Hường, sinh viên năm cuối chuyên ngành Đồ họa, Đại học Mở Hà Nội đã nhờ đến giáo viên giải đáp các vấn đề liên quan đến Quốc hội và bầu cử ĐBQH, về tranh cổ động bầu cử để hoàn thành cùng lúc 7 tác phẩm giàu ý nghĩa.

Những tấm lòng nhiệt tình, cộng với sự cổ vũ nhiệt tình khiến cho ngày hội non sông thêm náo nức.

Hà Nội: 70 buổi biểu diễn văn nghệ phục vụ bầu cử
Từ ngày 21 đến 23-5, tại 29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra 70 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ bầu cử. Thực hiện chương trình biểu diễn gồm các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Hà Nội, trung ương, quân đội, công an, các CLB bán chuyên nghiệp và các tỉnh bạn như: Đoàn quan họ Bắc Ninh, Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình, Đoàn cải lương Hải Phòng…
Ngoài sân khấu trung tâm, các đoàn nghệ thuật còn biểu diễn tại các khu dân cư, vùng sâu, vùng xa nhằm tạo không khí sôi động đối với sự kiện trọng đại của đất nước.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cống hiến cho Ngày hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.