Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cộng đồng giữ vai trò đặc biệt quan trọng

Minh Ngọc| 28/03/2012 06:49

(HNM) - Đền Hùng vào hội. Dù không phải là năm chẵn, quy mô tổ chức có mức độ nhưng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2012 diễn ra từ ngày 26 đến 31-3 (tức mùng 5 đến 10 tháng Ba âm lịch) vẫn được đồng bào cả nước quan tâm, mong đợi.



Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng BTC Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2012 có cuộc trò chuyện với Hànộimới về mùa lễ hội 2012.

- Ông có thể chia sẻ với bạn đọc Hànộimới về những nét đáng chú ý trong Lễ hội Đền Hùng năm nay?

- Về tổng quát thì Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn vẫn gồm phần lễ và phần hội. Tuy nhiên, với mục đích thông qua các hoạt động của lễ hội để hoàn thiện hồ sơ khoa học "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì trở thành trung tâm văn hóa - lễ hội về nguồn nên Lễ hội Đền Hùng năm nay có một số điểm khác so với những năm trước. Chẳng hạn như lễ rước kiệu của các xã Hy Cương, Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, phường Vân Phú (TP Việt Trì) và xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao) về Đền Hùng vào ngày 8 tháng Ba hay lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng vào ngày 10 tháng Ba âm lịch không chỉ có người dân trong vùng, đồng bào trong và ngoài nước mà còn có sự chứng kiến của nhiều đoàn khách ngoại giao, đại diện của Tổ chức UNESCO tại Việt Nam và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam. Bên cạnh đó, cuộc triển lãm ảnh với chủ đề "Các di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến Thời đại Hùng Vương ở Việt Nam" đã mở cửa đón khách từ đầu tháng Ba âm lịch tại Bảo tàng Hùng Vương, giúp đồng bào cả nước hiểu hơn về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương suốt dặm dài lịch sử. Ngoài ra, nghệ thuật hát xoan cũng được giới thiệu tại nhiều điểm trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng và ở các phường xoan gốc…

Lễ rước tại Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Phương Thanh

- Như đã biết, UNESCO đặc biệt đề cao vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, cộng đồng có vai trò như thế nào, thưa ông?

- Tôi có thể khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản của tất cả người dân Việt Nam trên mọi miền đất nước cũng như đang định cư ở nước ngoài, mọi người có quyền và trách nhiệm tham gia giữ gìn, phát huy giá trị di sản. Số lượng người về Khu di tích lịch sử Đền Hùng thắp hương, chiêm bái, tri ân tiên tổ mỗi năm một tăng. Năm 2011, số lượng người tham gia Lễ hội Đền Hùng ước khoảng 5 triệu người, dự kiến năm nay có thể lên đến 6 triệu. Người Việt lập đền thờ cúng Hùng Vương cùng vợ con, tướng lĩnh dưới thời Hùng Vương ở khắp nơi, tổng cộng có 1.417 điểm, tập trung nhiều ở tỉnh Phú Thọ (326 điểm), Hà Nội (425), Bắc Ninh (168), Vĩnh Phúc (62), TP Hồ Chí Minh (14)…

Hằng năm, người dân sinh sống xung quanh Khu di tích lịch sử Đền Hùng đều dâng lễ vật, rước kiệu và thực hành các nghi lễ thờ cúng. Ngày 6 tháng Ba âm lịch, nhân dân xã Hy Cương dưới chân núi Hùng, theo tục "con trưởng tạo lệ" thường huy động tới hơn 1.000 người mặc trang phục truyền thống, mang theo cờ quạt, trống, mõ từ thôn Cổ Tích lên Khu di tích lịch sử Đền Hùng dâng hương tiên tổ. Cùng thời gian này, tại nhiều làng, xã có nghi thức rước kiệu cổ, như ở Hùng Lô, Thụy Vân... Ngày chính giỗ (10 tháng Ba âm lịch), 13 quận, huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều có lễ vật dâng các vua Hùng.

Lễ hội Đền Hùng năm nay cũng vậy, cộng đồng giữ vai trò đặc biệt. Phần lớn các nghi lễ và hoạt động văn hóa, nghệ thuật do cộng đồng xung quanh khu di tích thực hiện. Ngoài ra, đồng bào về dự hội có thể trực tiếp tham gia lễ hội trống đồng, múa sư tử, nấu bánh chưng, giã bánh dầy, hội trại văn hóa …

- Thực tế đã chứng minh di sản văn hóa khó có thể tỏa sáng trong không gian xô bồ, thiếu tính tổ chức. Tỉnh Phú Thọ có cách gì để Lễ hội Đền Hùng nói riêng, di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói chung ngày càng khẳng định được giá trị quý báu vốn có?

- Chúng tôi nhận thức rõ cộng đồng và không gian linh thiêng là những yếu tố cơ bản để gìn giữ giá trị Lễ hội Đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Việc cần làm phải hướng vào mục tiêu giữ gìn những yếu tố cơ bản đó.

Trước Lễ hội Đền Hùng 2012, quần thể di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Giếng, Đền thờ Quốc mẫu Âu Cơ, Đền thờ Lạc Long Quân trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được trùng tu, tôn tạo. Cảnh quan tuyến đường từ Quốc lộ 2 về Đền Hùng; đường dạo xung quanh Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân đã được nâng cấp. Tương lai, tỉnh Phú Thọ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tu bổ, tôn tạo nhiều di tích, cải tạo cảnh quan, hồ nước trong khu di tích.

Cùng với việc tu bổ di tích, Trung tâm Dịch vụ du lịch Đền Hùng đã được thành lập với chức năng hướng dẫn, vận chuyển khách tham quan, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hành hương. Để hạn chế tối đa tình trạng lộn xộn, chặt chém du khách, chúng tôi đã hoàn thiện 2 bãi trông giữ xe ô tô tại đồi Mui Rùa và bãi xe số 4 với sức chứa gần 5 nghìn xe, bố trí thêm 5 bãi trông xe máy bên trong khu di tích. Tại tất cả bãi xe đều có niêm yết mức giá, số điện thoại nóng giúp du khách kịp thời phản ánh những trường hợp thu phí không đúng quy định. Ngoài ra, chúng tôi còn bố trí lực lượng trực an ninh, trật tự, y tế, vệ sinh môi trường 24/24 giờ ở nhiều địa điểm để hạn chế tối đa những tiêu cực phát sinh…

Với sự chuẩn bị công phu, chu đáo, tôi tin chắc rằng đồng bào về Đất Tổ trong dịp Giỗ Tổ năm nay sẽ thấy tâm sáng, lòng an.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Dâng hương tưởng niệm Quốc tổ Lạc Long Quân và Tổ mẫu Âu Cơ

Trong khuôn khổ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2012, ngày 27-3 (tức 6 tháng Ba âm lịch), UBND tỉnh Phú Thọ cùng hàng nghìn đồng bào mọi miền đất nước đã dự lễ giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Đã thành thông lệ, trong ngày Giỗ Cha, những người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng thành kính dâng hương hoa bày tỏ lòng biết ơn Quốc tổ Lạc Long Quân và nguyện đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương Phú Thọ nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung ngày càng văn minh, giàu đẹp. Tại Đền Mẫu Âu Cơ, lễ cúng Mẹ diễn ra trang trọng với mâm lễ vật gồm 100 chiếc bánh ngọt, 100 phẩm oản, hoa quả tượng trưng cho tấm lòng của 100 người con do Mẹ sinh ra từ bọc trăm trứng dâng lên Mẹ.

Quách Sinh
(Sở VH,TT&DL Phú Thọ)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng giữ vai trò đặc biệt quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.