(HNMCT) - Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra hàng chục vụ mất cắp cổ vật tại các di tích. Thực trạng đáng báo động này đặt ra cho các cơ quan chức năng và cả cộng đồng về trách nhiệm chung tay bảo vệ cổ vật, gìn giữ vốn quý cho muôn đời sau.
Cổ vật “không cánh mà bay”
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, từ tháng 1 đến tháng 4-2020 đã xảy ra hàng chục vụ mất cắp cổ vật tại 7 quận, huyện gồm Tây Hồ, Chương Mỹ, Hoài Đức, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa. Trong đó, riêng ở huyện Thanh Oai chỉ trong gần 1 tháng đã xảy ra 4 vụ trộm cắp di vật, cổ vật tại 4 di tích, trong đó có 3 Di tích quốc gia là chùa Bối Khê, chùa Dư Dụ, chùa Từ Châu. Nhức nhối không kém là ở huyện Thường Tín, có 6 di tích bị kẻ gian đột nhập, lấy đi nhiều cổ vật quý.
Kết quả thống kê, rà soát của Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an thành phố Hà Nội, ngoài các địa phương trên, tại Hà Nội còn xảy ra các vụ mất trộm cổ vật như: Ngày 20-1-2020, chùa Bà Già (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) bị trộm 2 pho tượng Phật cổ A nan và Ca diếp có từ thế kỷ XVIII; tại chùa Nam Dư Hạ (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai), ngày 6-4-2020, sư trụ trì chùa báo mất 4 pho tượng và 1 bát hương. Mới đây nhất, ngày 7-7-2020, chùa Bỏi (thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) bị mất 1 quả chuông đồng nặng khoảng 300kg, 1 bát hương đồng và 8 pho tượng gỗ.
Qua khám nghiệm hiện trường các vụ trộm, công an các quận, huyện nhận thấy, đối tượng trộm cắp thường hoạt động vào ban đêm khi người trông coi cơ sở thờ tự đã đi ngủ. Trước khi thực hiện hành vi trộm cắp, chúng thường đóng giả là khách tham quan đình, đền, chùa để thăm dò, lên kế hoạch đột nhập. Còn theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cao điểm của các vụ trộm là khoảng thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, khi các địa phương tập trung chống dịch nên có phần lơi lỏng công tác quản lý di tích.
Gian nan bảo vệ cổ vật
Hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ di tích trên địa bàn Hà Nội đã được phân cấp cho các địa phương, do vậy, việc quản lý di tích và di vật, cổ vật do ban quản lý các di tích trực tiếp phụ trách. Bên cạnh nhân tố chính là con người, nhiều địa phương đã áp dụng công nghệ vào việc bảo vệ di tích. Điển hình như Di tích quốc gia đình Phú Mỹ (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) - nơi hàng chục năm trước bị trộm “cuỗm” mất 22 đạo sắc phong bản gốc. Ông Lê Xuân Kế, Trưởng ban Quản lý di tích đình Phú Mỹ cho biết, Ban Quản lý di tích đã lắp đặt hệ thống camera để dễ dàng quan sát người ra vào đình. Việc lắp camera hiện cũng được nhiều di tích tại Hà Nội ứng dụng, coi đó như “trợ lý” đắc lực của những người trông coi di tích.
Với những di tích sở hữu cổ vật quý hay các bảo vật quốc gia, việc bảo vệ cổ vật là trọng trách lớn. Cổ vật càng có giá trị càng dễ lọt vào tầm ngắm của kẻ xấu. Không ít địa phương đau đầu nghĩ cách đối phó với nạn trộm cắp, như đình Nhật Tảo (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm), nơi sở hữu bảo vật quốc gia là chiếc chuông đồng có từ thế kỷ X. Để bảo vệ bảo vật này, các thành viên trong Ban Quản lý di tích đình Nhật Tảo phải thay phiên nhau giữ chuông. Cứ vài tháng, chiếc chuông lại đến “ở” một gia đình nào đó, không theo quy luật nào để kẻ gian khó nắm bắt lịch trình di chuyển. Chỉ vào những dịp lễ lớn, Ban Quản lý di tích mới đưa chuông về đình để hành lễ.
Còn tại đình Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), 44 đạo sắc phong được gìn giữ qua nhiều thế kỷ nay được cất giữ trong két sắt. Để mở được két, phải có sự đồng thuận của ba thành viên, gồm: Người giữ két tại nhà riêng, người giữ chìa khóa và người biết mã số mở két. Đó cũng là cách mà ban quản lý nhiều di tích trên địa bàn huyện Đông Anh đang triển khai. “Đình Tàm Xá thuộc xã Tàm Xá sở hữu 72 đạo sắc phong, chúng tôi phải đưa về UBND xã, bảo quản trong két riêng, lực lượng công an xã chịu trách nhiệm trông giữ”, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh cho biết.
PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam:
“Cần sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt đủ sức răn đe với các đối tượng trộm cắp cổ vật. Bên cạnh đó, cần siết chặt quản lý các hoạt động mua bán, trao đổi cổ vật bất hợp pháp. Không có “cầu” ắt sẽ không có “cung”. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền về giá trị của cổ vật để cộng đồng hiểu và chung tay bảo vệ tài sản văn hóa. Một khi người dân hiểu rằng cổ vật tại các di tích không chỉ mang giá trị văn hóa - lịch sử mà còn hàm chứa tính thiêng, họ sẽ không dám xâm phạm đến di sản, từ đó hạn chế được nạn trộm cắp cổ vật. Đó cũng là cách mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã làm”.
Bảo vệ cổ vật nhờ cộng đồng
Có một thực tế là tại nhiều địa phương, công tác bảo vệ di vật, cổ vật chưa được coi trọng đúng mức. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhiều địa phương thờ ơ với tài sản văn hóa của mình; sự phối hợp giữa ngành Văn hóa với chính quyền địa phương chưa tốt nên số cổ vật bị mất ngày càng nhiều. “Cần phát huy sức mạnh của cộng đồng bởi họ là người sâu sát với di tích nhất”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.
Để động viên cộng đồng cùng chung tay bảo vệ di sản, trước tiên người trông coi di tích và các thành viên trong ban quản lý di tích phải nêu cao ý thức trách nhiệm. Bà Phùng Thị Hoài Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm cho biết: “Hằng năm, huyện đều tổ chức 2 đợt tập huấn cho thành viên của các ban quản lý di tích. Mỗi năm sẽ có một chuyên đề riêng về công tác tu bổ, tôn tạo, phòng cháy chữa cháy hay bảo quản, giữ gìn hiện vật”.
Ngoài công tác tập huấn, huyện Gia Lâm còn là địa phương đi đầu trong việc xây dựng và hoàn thành Đề án Kiểm kê di vật, hiện vật tại 188/318 di tích. Đề án này được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2019 với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Mỗi di tích được kiểm kê sẽ có một bộ sản phẩm gồm: Phiếu kiểm kê hiện vật, hồ sơ khoa học của di tích, mặt bằng hiện trạng của hiện vật và phần mềm quản lý. Mỗi bộ sản phẩm này được sao thành 4 bản, giao cho ban quản lý di tích, UBND xã, Phòng Văn hóa - Thông tin và UBND huyện giữ. “Nếu không kiểm kê sẽ không thể biết huyện sở hữu những cổ vật, di vật quý nào để có biện pháp bảo vệ phù hợp”, bà Phùng Thị Hoài Hương chia sẻ.
Cổ vật là “linh hồn” của di tích. Không thể định giá cổ vật bằng giá trị kinh tế bởi đó là những bằng chứng xác thực về văn hóa - lịch sử dân tộc. Do đó, bảo vệ cổ vật là bảo vệ vốn quý cho các thế hệ sau...
Phòng Cảnh sát Hình sự Công an thành phố Hà Nội phối hợp với công an các quận, huyện đã điều tra, khám phá, tạm giữ hình sự 3 đối tượng chuyên tiêu thụ, trộm cắp cổ vật tại các di tích trên địa bàn Hà Nội trong thời gian gần đây. Cơ quan công an đã thu giữ tang vật gồm khoảng 70 di vật, cổ vật và các vật dụng khác. Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, từ tháng 1-2020 đến khi bị bắt giữ, chúng đã gây ra 12 vụ trộm cắp tài sản tại đình, chùa trên địa bàn Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.