Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030, trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Mục tiêu lớn ấy muốn thành công, chắc chắn phải dựa trên những công dân số sẵn sàng kiến tạo tương lai.
Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc startup công nghệ Phygital Labs về chủ đề này.
- Chúng ta đang xây dựng những công dân toàn cầu, công dân số và Hà Nội đã gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo. Ông có thể phác họa “chân dung” công dân Thủ đô toàn cầu, công dân Thủ đô sáng tạo theo góc nhìn của ông?
- Để có thể trở thành một công dân toàn cầu thời đại mới, theo tôi, cần 3 yếu tố:
Năng động: Thể hiện một năng lượng và tinh thần luôn tiến về phía trước, một tâm thế sẵn sàng đối mặt, giải quyết thử thách, không nao núng trước sự thay đổi. Trong một thế giới đang thay đổi với tốc độ rất nhanh như hiện tại, các trào lưu công nghệ đang tái định hình thế giới liên tục thì sự chần chừ hay sợ hãi trước các thay đổi, từ chối tiếp nhận kiến thức mới đồng nghĩa với đánh mất rất nhiều cơ hội. Sự năng động sẽ là một phẩm chất cực kỳ quan trọng để giúp công dân luôn chủ động, đi đầu trước những thay đổi, biến nó thành lợi thế, là đòn bẩy cho sự phát triển của mình.
Sáng tạo: Sự thay đổi sẽ tạo ra những bài toán mới liên tục và những bài toàn mới sẽ đòi hỏi nhiều cách giải quyết mới. Có những lời giải chỉ có sự hiểu biết của người ở khu vực đó, mang đặc tính của vùng miền đó mới có thể tạo ra được. Sự sáng tạo sẽ giúp công dân tìm ra những giải pháp mới phù hợp với bối cảnh và mục tiêu của mình.
Cá tính: Có bản sắc. Nhận thức rõ về bản sắc của mình để gìn giữ, phát huy những giá trị thế mạnh là điều tiên quyết để hòa nhập mà không hòa tan.
Người Hà Nội ham học hỏi, thích ứng nhanh với cái mới nên tự nhiên đã có một đòn bẩy lớn cho xu hướng công dân toàn cầu. Tuy nhiên, với bề dày văn hóa của Hà Nội thì việc kết hợp bản sắc văn hóa với việc thích nghi công nghệ có chọn lọc để nâng cao giá trị cho thương hiệu Hà Nội là một bài toán cần tìm đáp số, và đáp số này chính là sự cân bằng. Sự cân bằng không tốt thì có thể sẽ là lực cản cho sự phát triển của Thủ đô.
Ông Nguyễn Huy, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc startup công nghệ Phygital Labs
- Bên cạnh những thế mạnh không thể phủ nhận, công nghệ cũng đồng thời tác động tiêu cực đến lối sống, hành vi, mối quan hệ giữa người với người. Theo ông, chúng ta có thể khắc chế như thế nào?
- Bản thân công nghệ cũng có cuộc chiến giữa cái tốt và cái xấu nên để phát triển, đòi hỏi sự lớn mạnh liên tục của công nghệ tốt nhằm đối đầu và triệt tiêu những ứng dụng xấu của công nghệ như deepfake, virus, hacker… Với người dùng, cần nâng cao nhận thức để có thể phân biệt được tốt - xấu, qua đó bảo vệ chính mình, đồng thời cũng là giúp cho những công nghệ tốt phát triển nhằm áp chế cái xấu. Cùng với đó, vai trò của Nhà nước hết sức quan trọng. Chúng ta luôn cần sự tham gia chủ động, tích cực của cơ quan nhà nước trong việc xây dựng hành lang pháp lý kịp thời, để qua đó điều chỉnh các hành vi, trước mắt, đó là xây dựng quy chế đạo đức về AI.
- Việc định danh cá nhân trên môi trường số để tăng hành vi văn hóa, loại rác văn hóa, theo ông, nên được nhìn nhận ra sao?
- Định danh cá nhân trên môi trường số là rất cần thiết. Và tôi thấy đó là việc nên làm. Định danh số có thể được giải thích là mỗi một tài khoản trên mạng xã hội hoặc nền tảng chia sẻ, mỗi tài khoản số phải được gắn liền với một cá nhân thật ngoài đời.
Đặc biệt, trong bối cảnh Generative AI (AI tạo sinh) đang phát triển và có thể tạo ra các nội dung giả nhưng nhìn có vẻ chân thực (deep fake, fake news), việc định danh này giúp kiểm soát nội dung viết ra là của người thật; ngăn chặn các nội dung tạo ra từ AI tạo sinh. Từ đó, cá nhân trên môi trường số sẽ có trách nhiệm với việc phát ngôn của mình, tạo nên một môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian số.
Tuy nhiên, làm sao để định danh chính xác là một thử thách. Cần phân biệt được định danh đó là từ người thật, hay là do AI tạo ra. Đi kèm với việc định danh, cũng cần một sự hiểu biết và nâng cấp về công nghệ, không chỉ là công nghệ định danh, mà còn là hạ tầng để phòng, chống các lỗ hổng an ninh mạng, cũng như hệ thống nhận diện, phát hiện những nội dung do AI/ không phải người thật tạo ra.
- Hà Nội đang xây dựng “Thành phố thông minh”, nền hành chính phục vụ lấy người dân làm trung tâm. Nhiều ứng dụng đã được áp dụng vào cuộc sống. Ông đánh giá thế nào về những bước đi này?
- Một trong những ứng dụng tôi cho là hữu ích ngay trước mắt, đó là ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi - chạm để kết nối), giúp tạo lập kênh kết nối số nhanh chóng và thuận tiện giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp của Thủ đô. Thông qua iHanoi, mọi đối tượng tham gia có thể tương tác, phản ánh, cung cấp thông tin, đề xuất sáng kiến, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản trị của chính quyền Thủ đô. Như vậy, ứng dụng sẽ cung cấp các tiện ích thông minh như giao thông, môi trường, y tế, giáo dục… phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi, cải thiện các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính, sự hài lòng người dân. Phía sau ứng dụng này, rất nhiều giải pháp công nghệ cần được triển khai như số hóa dữ liệu, liên thông - kết nối - chia sẻ dữ liệu, ứng dụng AI…
Chúng ta không nên quá tham lam về công nghệ, mà nên chọn công nghệ ứng dụng nào người dân cần để giải quyết các vấn đề đang đặt ra. Được như vậy đã là một thành công lớn. Nên có thể nói, ứng dụng này đánh dấu bước tiên phong của Hà Nội trong tiến trình chuyển đổi số mà ở đó, người dân đóng vai trò trung tâm, góp phần tạo dựng phong cách làm việc mới, xây dựng thành phố xanh, thông minh, hiện đại… Tôi cho rằng ứng dụng này cần được tuyên truyền mạnh mẽ hơn để thúc đẩy người dân sử dụng.
- Sự hợp tác giữa con người và trí tuệ nhân tạo được xem là "đường tắt" để xây dựng xã hội thông minh. Theo ông, việc áp dụng vào nền hành chính của Thủ đô sẽ thúc đẩy người Hà Nội vận động như thế nào?
- Tôi được biết, trong đợt giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu ứng dụng AI để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, như: Ứng dụng trợ lý ảo thực hiện hàng triệu cuộc gọi tới người dân về phòng, chống dịch; tuyên truyền chính sách an sinh xã hội đem lại hiệu quả cao. Hay gần đây, một số địa phương tại Hà Nội đã ứng dụng AI (AI chatbot) để hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính phục vụ người dân…
Việc ứng dụng AI sẽ tạo ra hệ thống hành chính công hiệu quả hơn, tự động hơn, minh bạch hơn, và công bằng hơn; xóa bỏ được những sai sót do lỗi cá nhân, giảm chi phí và thời gian vận hành; tăng độ hài lòng cũng như sự chính xác trong kết quả. Tuy nhiên, để mang đến kết quả trên, trong giai đoạn đầu, chúng ta cần chuyên viên huấn luyện cho AI, cũng như cần một số điều chỉnh về tổ chức nhân sự để phù hợp với quy trình làm việc tự động hơn của AI…
Với bản tính học hỏi và thích ứng nhanh của người Hà Nội, tôi tin rằng chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người sẽ cảm thấy tiện lợi và hài lòng hơn rất nhiều khi công nghệ được ứng dụng vào các lĩnh vực. Hà Nội nên bắt đầu từ những tương tác cần thiết, sát với đời sống hằng ngày của người dân.
- Hà Nội rất phong phú về di sản, cả vật thể và phi vật thể. Chúng ta nên khai thác theo hướng nào các giá trị này để làm tôn thêm nét đẹp của Hà Nội, từ đó thúc đẩy ngược trở lại sự phát triển của văn hóa Hà Nội, thưa ông?
- Văn hóa Hà Nội đã được xây dựng và phát triển rất màu sắc và đẹp trong không gian thực, được công nhận và học hỏi rất nhiều. Tuy nhiên, để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa văn hóa của Hà Nội, chúng ta cần tập trung hướng tới hai đối tượng là: Những cư dân internet (khoảng 5 tỷ người) và thế hệ GenZ vốn đã sinh ra trong thế giới số.
Điều đó có nghĩa là chúng ta phải tăng cường được sự hiện diện của văn hóa Hà Nội trên không gian số và phải tạo ra một trải nghiệm văn hóa hết sức đặc biệt, sống động để người nước ngoài chỉ cần ngồi trước máy tính hay điện thoại cũng cảm nhận được…, từ đó, tạo cho họ sự thôi thúc, mong muốn tìm hiểu thêm, thậm chí là đến Hà Nội để trải nghiệm thực. Để làm được một trải nghiệm đa giác quan về văn hóa Hà Nội, sẽ cần sự đầu tư bài bản, chỉn chu cho những giải pháp số như ứng dụng AR/VR/XR (thực tế ảo tăng cường, thực tế hỗn hợp), metaverse (vũ trụ số), kết hợp AI, blockchain, vật lý số…
Một ví dụ thực tiễn như là làm một tour trải nghiệm đa giác quan cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Không phải chỉ là xem video hình ảnh, mà là xây dựng một không gian cho phép mọi người chỉ cần vào trình duyệt Internet hay sử dụng các thiết bị như kính AR/VR từ mọi nơi trên thế giới là có thể đi vào trải nghiệm Văn Miếu, có hướng dẫn viên AI đi theo kể chuyện, cho phép người tham quan vượt cả không gian, lẫn thời gian để chạm trí óc vào những giá trị văn hóa ngàn năm. Việc xây dựng thành công được những giải pháp như vậy sẽ là tiên quyết cho sự lan tỏa văn hóa Hà Nội ra thế giới, chứ không chỉ gói gọn cho những du khách nước ngoài từng đến Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.