(HNM) -
Cấp thiết phá "vòng luẩn quẩn"
Hiện nay, LTT vùng đối với khu vực doanh nghiệp (DN) gồm 4 mức: 2.000.000 - 1.780.000 - 1.550.000 - 1.400.000 đồng/tháng, tương ứng với 4 vùng I-II-III-IV (thực hiện từ ngày 1-10-2011). Mức LTT chung áp dụng cho CBCC sẽ được nâng từ 830.000 đồng/tháng lên 1.050.000 đồng/tháng từ ngày 1-5-2012. Như vậy, dù đã tăng nhưng LTT (ở đây chỉ nói tới LTT của CBCC) vẫn chỉ bằng 75% lương tối thiểu vùng thấp nhất (vùng IV: 1,4 triệu đồng/tháng) và bằng 52,5% LTT (DN) vùng cao nhất (vùng I: 2 triệu đồng/tháng). Đáng nói, mức LTT chung chỉ bằng 58,1% mức chi tiêu bình quân một nhân khẩu của cả nước năm 2011. Theo ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), tiền lương của CBCC phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập của thị trường. Nếu tiền lương quá thấp sẽ xảy ra hội chứng "tước đoạt để bù đắp" trong thực thi công vụ, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng và chảy máu chất xám.
Nâng mức lương tối thiểu để bảo đảm cuộc sống cho CBCC sẽ góp phần làm giảm tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực và chảy máu chất xám. Ảnh: Linh Tâm
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, mức lương của CBCCVC trong thời gian qua là “không đủ sống”. Ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội: “Muốn CCCSTL thành công nhất thiết phải phá được cái vòng luẩn quẩn là tiền lương không đủ sống. Thực tế cho thấy, lương không đủ sống, nhưng ngân sách chi trả lương rất lớn dẫn đến tình trạng “gọt chân cho vừa giày”. Hơn nữa, công chức mà không sống bằng lương là một tai họa”. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cũng cho rằng: Tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động của CBCCVC. Do đó, các giá trị xã hội của người công chức giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất tốt cho tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ phát triển.
Tìm phương án khả thi
Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, CCCSTL là vấn đề hệ trọng, phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều năm đến các lĩnh vực KT-XH của đất nước và là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước. Theo đó, năm 2012, về mức LTT đối với CBCC trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức CT-XH có 3 phương án. Phương án thứ nhất sẽ tính bằng mức LTT vùng I của khu vực DN (2 triệu đồng/tháng). Phương án thứ hai tính bằng mức bình quân của các mức LTT vùng (4 vùng) của khu vực DN (khoảng 1.680.000 đồng/ tháng). Phương án thứ ba là xác định nhu cầu của người lao động bằng mức chi tiêu bình quân đầu người của cả nước do Tổng cục Thống kê công bố cộng thêm nhu cầu nuôi dưỡng cha mẹ, con cái (khoảng 3.150.000 đồng/ tháng). Đối với viên chức sự nghiệp có hai phương án là mức LTT được áp dụng như LTT vùng như đối với DN và áp dụng như đối với LTT của CBCC. Về quan hệ mức LTT - trung bình - tối đa, dự kiến, có 2 phương án: một là cách tiếp cận tương quan với khu vực thị trường thì quan hệ trên sẽ biểu hiện ra ở các bậc lương 1 - 3,2 - 15, tương ứng với 830.000 đồng/tháng - 2.656.000 đồng/tháng - 12.450.000 đồng/tháng; hai là dựa theo cách tiếp cận độ phức tạp lao động sẽ là các bậc 1 - 3,5 - 15, tương ứng với 830.000 đồng/tháng - 2.905.000 đồng/tháng - 12.450.000 đồng/tháng.
Thảo luận về các phương án nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, CCCSTL trước hết phải dựa trên việc xác định đúng vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ CBCCVC, bởi đây là lực lượng nòng cốt của một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả. Ông Trần Xuân Cầu, Chủ nhiệm Khoa Lao động, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, quan điểm “CCCSTL phải tiến tới bảo đảm cho CBCC sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội” cần được xem xét, cân nhắc kỹ hơn để nó trở nên hiện thực hơn trong điều kiện kinh tế của Việt Nam. Cụ thể “tiến tới” là bao giờ? Và nên thêm từ “chủ yếu” sau từ “sống được”.
Về mức LTT, nhiều đại biểu dự hội nghị đồng tình với phương án 3 vì nó phù hợp hơn với mục tiêu của cải cách: “Bảo đảm cho CBCCVC sống được bằng lương ở mức trung bình khá trong xã hội”; đồng thời, nó phù hợp hơn với định hướng là “phương pháp xác định mức lương theo nhu cầu là chủ đạo trên cơ sở tính đúng, tính đủ nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình họ”, tránh hội chứng “tước đoạt để bù đắp tiền lương” trong thực thi công vụ (tiêu cực, tham nhũng). Tuy nhiên, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm UBTV Quốc hội cho rằng: Quan điểm “CBCCVC sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội” là mơ hồ, không khả thi vì mức sống trung bình khá trong xã hội là gì? Ai xác định? Cách xác định ra sao? Ai công bố và công bố định kỳ thế nào để điều chỉnh tiền lương của CBCCVC. Cũng theo ông Đặng Như Lợi: “Trong dự thảo định hướng này vẫn còn “khoảng trống” về phạm vi, đối tượng. Cụ thể, trong số đối tượng này có bao gồm lái xe, nhân viên phục vụ, bảo vệ và các chức danh tương tự không? Và vì sao không xem xét định hướng tiền lương của các bộ trưởng và tương đương trong khi vẫn xem xét tiền lương của bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND, UBND tỉnh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng?”.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội: “Tiền lương của CBCC mặc dù do Nhà nước trả từ ngân sách, song CCCSTL CBCCVC phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập khu vực thị trường. Nếu không thỏa mãn quan hệ này sẽ dẫn đến hội chứng “tước đoạt để bù đắp tiền lương” trong thực thi công vụ, làm lũng đoạn, méo mó thị trường và tăng dòng “chảy máu chất xám” từ khu vực nhà nước ra khu vực thị trường”. Các đại biểu cũng quan tâm đến các vấn đề liên quan như: phụ cấp, thâm niên, tiền lương gắn với chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, thang bảng lương... Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng, việc CCCSTL cần phải được cân nhắc kỹ về nhiều mặt, cả về nội dung cải cách và lộ trình thực hiện, tránh tình trạng cứ bàn suốt trong nhiều năm mà vẫn chỉ dừng lại ở “tuyên ngôn”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.