Công nghệ

Công bố quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông

Thanh Hà 23/02/2024 - 16:44

Ngày 23-2, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị công bố “Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

h1_28.jpg
Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, trong quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông giai đoạn mới, Việt Nam đặt mục tiêu kiến tạo hạ tầng cho phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Hạ tầng thông tin và truyền thông cũng được đặt trong sự liên kết, đồng bộ nội ngành và liên ngành để có thể trở thành nền tảng cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực...

Nhiều giải pháp trọng tâm đã được đưa ra, như dừng triển khai công nghệ viễn thông di động thế hệ cũ; bổ sung băng tần, phát triển các công nghệ di động thế hệ mới 4G, 5G và các thế hệ tiếp theo; tập trung phát triển mạng 5G từ năm 2025; phân bổ tài nguyên viễn thông theo cơ chế thị trường đủ để cung cấp chất lượng dịch vụ viễn thông ngang tầm khu vực và thế giới…

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo Kế hoạch triển khai quy hoạch. Viện Chiến lược thông tin và truyền thông là đầu mối quản lý quy hoạch.

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các nội dung được giao trong quy hoạch, trọng tâm là xây dựng hệ thống công nghệ số, nền tảng số phục vụ chuyển đổi số ngành, lĩnh vực.

UBND các tỉnh, thành phố cần cập nhật, bổ sung, lồng ghép các nội dung quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông để đồng bộ với quy hoạch tỉnh…

Mức độ phổ cập hạ tầng thông tin và truyền thông của Việt Nam cao hơn so với các nước phát triển có thu nhập cao với mức giá thấp:

- Độ phủ 4G tại Việt Nam là 99,8%, các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4%.

- Trong số 7,3 tỷ người trên thế giới sử dụng điện thoại, tỷ lệ điện thoại thông minh là 63%, thì tại Việt Nam, con số này là hơn 84%.

- Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%.

- Cước phí data tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới. Nhờ vậy, mọi người dân đều có cơ hội để sử dụng internet, tiếp cận không gian số.

- Tỷ lệ sử dụng địa chỉ internet thế hệ mới IPv6 của Việt Nam đứng thứ 2 tại Asean và thứ 9 toàn cầu, xếp trên cả các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ hay Canada…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.