(HNMO) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố lịch tổ chức các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia năm 2023. Theo đó, trong năm 2023, sẽ có 12 kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia diễn ra đều đặn hằng tháng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Tại Hà Nội, kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia dự kiến được tổ chức tại: Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (kỳ 2, diễn ra từ ngày 4 đến 26-2; kỳ 3 từ ngày 3 đến 26-3; kỳ 5 từ ngày 5 đến 28-5; kỳ 6 từ ngày 3 đến 25-6; kỳ 7 từ ngày 8 đến 30-7; kỳ 9 từ ngày 2 đến 24-9; kỳ 11 từ ngày 4 đến 26-11); Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ (kỳ 3; và kỳ 4, từ ngày 8 đến 29-4; kỳ 5, kỳ 6, kỳ 7, kỳ 8, từ ngày 5 đến 27-8; kỳ 9, kỳ 10, từ ngày 7 đến 29-10; kỳ 11, kỳ 12, từ ngày 2 đến 24-12); Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (kỳ 3, kỳ 6, kỳ 9, kỳ 11); Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội (kỳ 5, kỳ 10). Các trường này chủ yếu đánh giá các bậc trình độ kỹ năng các nghề công nghệ thông tin, điện tử công nghiệp.
Thông qua các kỳ thi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, công nhận bậc trình độ kỹ năng nghề quốc gia của người lao động theo khung trình độ.
Để triển khai lịch trình này hiệu quả, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nhiệm vụ quan trọng, bao gồm:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia giúp các doanh nghiệp, người lao động nâng cao nhận thức về lợi ích của công tác này; đồng thời, khuyến khích, thúc đẩy việc công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động làm việc dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đặc biệt, đối với các nghề yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, các nghề thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và các nghề về lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tự động hóa và các nghề có nhu cầu lớn về đánh giá, cấp chứng chỉ.
Thứ hai, tăng cường phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng, thẩm định và công bố các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, góp phần chuẩn hóa lực lượng lao động, nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và chỉ đạo thực hiện các quy định về công tác này; thực hiện quản lý nhà nước về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm về việc sử dụng lao động tại các công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định.
Riêng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo sở lao động - thương binh và xã hội thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động tại các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia hoạt động trên địa bàn do địa phương quản lý.
Ngoài ra, cần có biện pháp cụ thể khuyến khích các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho đối tượng là học sinh, sinh viên học xong các chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp (trước khi được cấp bằng tốt nghiệp), nhằm giúp người học tăng cơ hội việc làm, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Trong trường hợp không tổ chức các kỳ đánh giá theo lịch trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định, các đơn vị được giao công tác tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia phải có văn bản báo cáo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), sở lao động - thương binh và xã hội trên địa bàn và thông báo trên website của đơn vị trước ngày 20 của tháng diễn ra các kỳ đánh giá kỹ năng nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.