Ngày 29/7, một thẩm phán Mỹ đã ra lệnh công bố lời giải trình trước hội đồng bí mật của cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon về vụ bê bối chính trị Watergate - vụ bê bối đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của chính khách này cách đây gần 37 năm.
Cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon. (Nguồn: Internet) |
Thẩm phán Roi Lamberth cho biết, ông đã chấp nhận yêu cầu của nhà sử học Stanley Kutler, tác giả một số cuốn sách về Tổng thống Nixon và vụ Watergate, cũng như nhiều người khác muốn giải mật phiên điều trần hôm 23-24/6/1975 vì ý nghĩa quan trọng của vụ bê bối này trong lịch sử nước Mỹ không thể bị thổi phồng trong khi nó vẫn thu hút sự quan tâm của giới học giả và công luận.
Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ từng phản đối việc công bố tài liệu trên, viện dẫn các lợi ích riêng của các cá nhân bị nêu tên trong bản giải trình và những nguyên nhân khác.
Watergate là một vụ bê bối chính trị trên chính trường Mỹ, từ năm 1972 đến năm 1974, dẫn đến việc Tổng thống Nixon phải từ chức.
Vụ việc xảy ra vào thời điểm Chiến tranh Việt Nam, khi chính quyền Nixon đã lạm dụng quyền lực để ngăn cản phong trào phản chiến và lực lượng chính trị đối lập là Đảng Dân chủ.
Sau khi bắt năm đối tượng đột nhập văn phòng của Đảng Dân chủ tại Khách sạn Watergate ở thủ đô Washington ngày 17/6/1972, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) lần ra manh mối của chiến dịch do thám này. Chính các nhân vật thân cận của Tổng thống Nixon, cùng với ủy ban vận động bầu cử của mình đã tổ chức vụ đột nhập này nhắm vào đối thủ chính trị là Đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, các kết quả điều tra của FBI đã bị ỉm đi dưới những âm mưu che đậy của Nhà Trắng cho tới khi được hai nhà báo của tờ Bưu điện Washington công bố trên mặt báo.
Quốc hội Mỹ bèn lập ủy ban điều tra. Trước nguy cơ bị quốc hội phế truất, ngày 9/8/1974, Tổng thống Nixon tuyên bố từ chức.
Phải đến tháng 5/2005, người ta mới biết nhân vật có mật danh "Deep Throat" cung cấp thông tin trong vụ này là một cựu nhân viên của FBI.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.