Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bố Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh

Châu Anh| 26/11/2017 18:41

(HNMO) - Chiều 26-11, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị công bố Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Đề án là kết quả của quá trình làm việc trong hơn một năm (từ tháng 10-2016) do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là đơn vị tư vấn cùng sự tham gia của các sở, ban, ngành tham gia khảo sát. Đề án đã được tổ chức lấy ý kiến của các cấp, người dân, các chuyên gia kinh tế các nhà khoa học.


Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” nhấn mạnh vai trò “người dân là trung tâm của đô thị” để người dân có chất lượng sống, môi trường làm việc tốt và được phục vụ tốt. Đặc biệt, người dân có thể tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng thành phố.

Đề án đặt ra 4 mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2017-2020, gồm: Bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý đô thị của người dân, tổ chức.

Là đơn vị tư vấn xây dựng Đề án, Tập đoàn VNPT đã đề xuất Khung công nghệ thông tin và truyền thông theo định hướng mở, bảo đảm khả năng tương thích về công nghệ, giải pháp dịch vụ từ nhiều nhà cung cấp theo các tiêu chuẩn phổ biến trên thế giới, có khả năng mở rộng dễ dàng cho các hệ thống giải pháp trong tương lai.

Trên nền tảng của khung công nghệ này, Tập đoàn VNPT đề xuất 4 giải pháp trọng tâm khởi động trong giai đoạn 2017-2020.

Thứ nhất, xây dựng Kho dữ liệu dùng chung cho thành phố để các sở, ban, ngành có thể cùng sử dụng phục vụ người dân thực hiện các dịch vụ một cửa trực tuyến, liên thông thông suốt, hạn chế phiền hà cho người dân trong việc photo giấy tờ, đơn từ, nhận-trả hồ sơ. Trên cơ sở đó, phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố nhằm cung cấp thông tin dữ liệu về thủ tục hành chính, cấp phép kinh doanh các ngành nghề, dữ liệu thông tin quy hoạch, địa chính, môi trường, giáo dục... cho phép người dân tham gia giám sát các lĩnh vực trọng yếu của đô thị.

Thứ hai, hình thành Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố - nơi tập trung phân tích các dữ liệu đa ngành, mô phỏng dự báo các xu hướng phát triển về kinh tế, dân số, nhu cầu nhân lực, nhà ở, năng lượng, nước, giao thông, y tế, giáo dục, xử lý rác thải, nước thải, nhu cầu vốn... để công tác xây dựng chiến lược trung hạn và dài hạn cho Thành phố có độ chính xác cao và bền vững.

Thứ ba, xây dựng Trung tâm điều hành thông minh đa chức năng nhằm tập trung khai thác các nguồn thông tin, dữ liệu hàng ngày của Thành phố trên tất cả các lĩnh vực, qua đó giúp Lãnh đạo các cấp điều hành tổng thể và chỉ đạo ứng cứu, xử lý tình huống một cách kịp thời, chuẩn xác.

Thứ tư, thành lập Trung tâm An toàn thông tin hoạt động 24/24h đảm trách công tác bảo mật, an toàn thông tin, toàn vẹn dữ liệu, giám sát, ứng phó, phòng chống tấn công mạng cho Trung tâm dữ liệu thành phố, các hệ thống cơ yếu, cơ quan nhà nước, cũng như các cơ quan báo đài, doanh nghiệp.

Đề án thiết kế khung công nghệ mở

Phát biểu tại hội nghị chiều ngày 26-11, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT nhấn mạnh, bản Đề án đã xác định được Khung công nghệ cho đô thị thông minh tích hợp những công nghệ tiên tiến trong một mô hình kiến trúc thống nhất và có tính mở, kế thừa những thành quả về ứng dụng công nghệ thông tin của Thành phố trong những năm qua. Khung công nghệ sẽ là nền tảng để TP Hồ Chí Minh thiết lập những năng lực cơ bản của một đô thị thông minh, đó là: phân tích, dự báo trên nền tảng dữ liệu lớn, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các lĩnh vực chuyên ngành, cung cấp dữ liệu mở cho người dân và doanh nghiệp, và các ứng dụng-tiện ích thông minh phục vụ mọi mặt của đời sống xã hội. 

Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn VNPT, Đề án được xây dựng dựa trên nền tảng phương pháp luận khoa học, có sự tham khảo những mô hình đô thị thông minh của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, IBM, Hexagon. Đồng thời, tham khảo kinh nghiệm triển khai thực tế tại một số thành phố lớn như New York, Chicago, London, Barcelona, Singapore và tại các đô thị của những quốc gia đang phát triển có điều kiện tương đồng với Việt Nam như Ấn Độ, Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.