(HNM) - Sáng 5-7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố các luật: Giáo dục quốc phòng và an ninh; Khoa học và Công nghệ;
Luật Phòng, chống khủng bố gồm 8 chương, 51 điều, quy định nguyên tắc, chính sách, biện pháp và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống khủng bố. Theo quy định của luật, Ban chỉ đạo Phòng, chống khủng bố được thành lập ở 3 cấp: Cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh. Khi khủng bố xảy ra, nhiều lực lượng có thể được huy động để xử lý vụ việc, trong đó các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc công an nhân dân, quân đội nhân dân là nòng cốt.
Điểm mới của Luật Khoa học và Công nghệ là sẽ áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi nhằm phát huy vai trò then chốt của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước bảo đảm chi cho lĩnh vực này từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ.
Luật Phòng, chống thiên tai yêu cầu hộ gia đình, cá nhân phải có nghĩa vụ chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai cho bản thân và gia đình; tham gia hỗ trợ cộng đồng phòng, chống thiên tai. Chế tài này nhằm xã hội hóa công tác phòng, chống thiên tai, huy động mọi nguồn lực giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh nêu: Các trường tiểu học, trung học cơ sở thực hiện lồng ghép giáo dục quốc phòng, an ninh thông qua nội dung các môn học trong chương trình kết hợp với hoạt động ngoại khóa phù hợp lứa tuổi. Đối với trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học thì giáo dục quốc phòng, an ninh là môn học chính khóa.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá là nội dung chỉnh sửa trong Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.
Chiều cùng ngày, Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục chương trình họp báo công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Hòa giải ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp và Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân.
Đại diện Bộ Công an khẳng định, từ ngày 1-1-2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú có hiệu lực. Cùng với quy định nghiêm cấm hành vi giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú nhằm khắc phục tình trạng kết hôn giả để nhập khẩu vào các TP lớn trực thuộc TƯ, Luật sửa đổi còn tăng thời gian tạm trú để được đăng ký thường trú vào quận tại TP trực thuộc TƯ từ 1 lên 2 năm, góp phần làm chậm tốc độ tăng dân số cơ học, giảm sức ép về các vấn đề xã hội liên quan… Đặc biệt, nếu trước đây người từ đủ 14 tuổi trở lên đến lưu trú tại gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác mới phải thông báo lưu trú thì từ ngày 1-1-2014, mọi công dân đều phải thông báo việc lưu trú đó với công an xã, phường, thị trấn qua mạng internet.
Theo Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2013, Nhà nước không điều chỉnh lại thời hạn sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối đã giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Luật Đất đai năm 2003 cho đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực thi hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.