Ngày 22-4, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã đưa ra khuyến cáo cho người dân trên địa bàn về chiêu trò gọi điện lừa đảo.
Theo đó, thông qua trang mạng xã hội, các trang kết nối cộng đồng dân cư, công an đã chỉ rõ dấu hiệu 5 cuộc điện thoại giả mạo để người dân nhận diện, phòng tránh.
1. Cuộc gọi từ người bán hàng trực tuyến giả:
Nếu mua sắm trực tuyến, có người giả làm người bán và gọi điện, nói rằng có vấn đề với một sản phẩm mà chúng ta mua vào thời điểm này không thể được vận chuyển, hoặc vì lý do nào đó cần chuyển tiền. Họ có thể gửi cho bạn một liên kết, một khi chúng ta vô tình nhấp vào liên kết này, rất có thể thông tin trong điện thoại di động sẽ bị đánh cắp. Nếu vô tình nhập mật khẩu tài khoản thẻ ngân hàng, có thể bạn sẽ bị lấy cắp tiền trong tài khoản.
2. Điện thoại từ người danh tính không rõ ràng:
Nếu nhận được cuộc gọi từ số lạ và bạn bắt máy, đầu dây bên kia sẽ nói "Đoán xem tôi là ai?". Lúc này, nhiều người sẽ nghĩ đến bạn bè, bạn học hoặc người thân của mình. Khi bạn nói tên của người khác, người kia đột nhiên thay đổi và nói “Ha ha, bạn đoán đúng rồi”.
Sau đó, đối tượng lừa đảo bắt đầu đặt một số chủ đề thân mật để lấy lòng tin của bạn. Khi bạn tin tưởng đối phương thì bên kia sẽ bắt đầu tìm đủ mọi lý do để hỏi vay tiền. Lúc này bạn nghĩ đối phương là bạn bè quen biết nên sẽ chuyển tiền cho, đến khi nhận ra sự thật thì đã quá muộn vì bên kia đã chặn cuộc gọi của bạn.
3. Cuộc gọi giả danh công an:
Các đối tượng cung cấp những thông tin phù hợp với nhân thân tài sản của người bị hại và thực hiện đe dọa, thậm chí dàn dựng, kết nối cho bị hại nhìn thấy, nói chuyện qua điện thoại với người được cho là công an để bị hại tin tưởng. Sau đó, các đối tượng phạm tội yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản chúng chỉ định, đồng thời bắt bị hại giữ bí mật sự việc để phục vụ công tác điều tra.
Do đó, khi thấy bất cứ cuộc gọi nào tự xưng là công an điều tra vụ án, bạn cần đến ngay trụ sở cơ quan công an gần nhất để trình báo. Ngoài ra, bạn không nên công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử, hoặc khi mua sắm tại các cửa hàng.
Đồng thời bạn không làm theo yêu cầu của người lạ như tải đường dẫn về cài đặt, đăng nhập các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tránh việc lộ thông tin cá nhân, khiến tội phạm lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
4. Cuộc gọi từ người chuyển nhầm tiền vào thẻ của bạn:
Khi một người lạ đột nhiên gọi điện cho bạn nói rằng họ chuyển nhầm tiền vào thẻ của bạn, yêu cầu chuyển trả lại tiền và bạn đã chuyển tiền cho bên kia mà không do dự thì lúc này rất có thể bạn đã sập bẫy kẻ lừa đảo.
5. Cẩn thận với cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng:
Trên thực tế, đã có rất nhiều người bị đánh cắp thông tin cá nhân và bị chiếm đoạt tài sản từ các cuộc điện thoại. Thủ đoạn lừa đảo của chúng thường là: Thông báo thông tin giả về trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp OTP hay cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm đánh cắp tiền trong tài khoản.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn có thể giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ. Vì vậy, nên cẩn thận với yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng từ những cuộc điện thoại không rõ người gọi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.