(HNM) - Trong một bước đi được nhìn nhận là
Dự luật TPA nếu được Quốc hội Mỹ thông qua sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình đàm phán TPP. |
Với tỷ lệ 62 phiếu thuận và 37 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật HR1314. Đây thực chất là một gói gồm 2 dự luật: Thứ nhất là Dự luật trao quyền đàm phán thương mại cho Tổng thống Mỹ và thứ hai là Dự luật hỗ trợ tổn thất cho những người Mỹ bị ảnh hưởng bởi các hiệp định tự do thương mại quốc tế mà Mỹ tham gia, ví dụ như Hiệp định TPP. Trước đó, chính quyền của Tổng thống Obama đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện khi TPA chỉ nhận được 52 phiếu ủng hộ, chưa đủ tỷ lệ 60/100 phiếu cần thiết để đưa ra thảo luận chính thức. Phần lớn nhà lập pháp của đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ trong khi các nhà lập pháp của đảng Dân chủ lại bỏ phiếu chống. Một lý do khiến các nhà lập pháp của đảng Dân chủ không ủng hộ TPP là áp lực lá phiếu của cử tri thuộc các nghiệp đoàn (những người lo ngại công ăn việc làm có thể sẽ bị mất do TPP) nên đã chống đối dự luật TPA. Do đó, các nghị sĩ của đảng Cộng hòa đồng ý với đề nghị của các "đồng nghiệp" Dân chủ đưa thêm một điều khoản về chương trình trợ cấp cho những người lao động có thể bị mất việc làm do TPP. Đổi lại, nhóm các nghị sĩ chống TPP thuộc đảng Dân chủ đồng ý tiến hành các cuộc bỏ phiếu riêng rẽ đối với hai dự luật mà trước đó họ muốn gộp vào một gói với TPA. Việc các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa đạt được thỏa hiệp trên là "bước đột phá" giúp TPA được thông qua tại Thượng viện. Ngay khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Tổng thống B.Obama đã lên tiếng hoan nghênh các nhà lập pháp hai đảng Dân chủ và Cộng hòa và cho rằng các Thượng nghị sĩ đã hành động vì người lao động Mỹ.
Dẫu vậy, Thượng viện mới chỉ là "cửa ải" đầu tiên mà dự luật TPA phải vượt qua. Sau khi được Thượng viện nhất trí, dự luật sẽ được trình lên Hạ viện để bỏ phiếu vào đầu tháng tới. Với số nghị sĩ đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Hạ viện hiện nay, dự luật trao quyền đàm phán nhanh cho ông chủ Nhà Trắng sẽ lại tiếp tục đối mặt thử thách được cho là lớn hơn khi chỉ có chưa đầy 20 nghị sĩ Dân chủ ủng hộ dự luật này. Bà Nancy Pelosi của đảng Dân chủ, thủ lĩnh phe thiểu số hạ viện, cũng từ chối ủng hộ Tổng thống. Giới phân tích đánh giá, giành quyền TPA là một "cuộc chiến" cam go của Nhà Trắng; đồng thời, cuộc chiến này bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong đảng Dân chủ nắm quyền hành pháp.
TPA là mảnh ghép cuối cùng quan trọng nhất vào lúc này đối với đàm phán TPP. Có thể nói, đây là rào cản lớn nhất khiến đàm phán TPP chưa thể kết thúc sau khi bế tắc suốt 18 tháng qua. Với TPA, khi hiệp định TPP được ký kết và đệ trình, Quốc hội Mỹ sẽ buộc phải bỏ phiếu chấp thuận hoặc là bác bỏ Hiệp định chứ không được phép thay đổi nội dung. Với 11 nước còn lại đang đàm phán TPP, TPA là bảo đảm để các kết quả đàm phán trong suốt mấy năm cam go không bị lật ngược. Thách thức của chính quyền Obama lúc này là phải sớm kết thúc đàm phán TPP vì để muộn thì chính trường Mỹ sẽ rơi vào vòng xoáy của chạy đua bầu cử năm 2016. Vào thời điểm đó, mọi thứ sẽ càng phức tạp. Vì thế, TPA đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống B.Obama trước khi rời Nhà Trắng vào đầu năm 2017.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.