(HNM) - Quá trình thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng cho thấy sự thiếu thống nhất và những bất cập cần sớm được khắc phục...
Sự quan tâm, động viên kịp thời
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, các chính sách trong Nghị định 116 rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với CBCCVC và người lao động hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (chủ yếu thuộc địa bàn hơn 2.000 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bãi ngang ven biển). Quá trình thực hiện, Nhà nước đã chi trả hơn 24.817 tỷ đồng cho trên 1.616.000 lượt người.
Trong đó, Nhà nước trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng cho CBCCVC đến công tác tại vùng này từ 3 năm trở lên đối với nữ và từ 5 năm trở lên đối với nam nhiều ưu đãi như: Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở; trường hợp có gia đình chuyển theo, ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi; hưởng trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình và chỉ thực hiện một lần mức trợ cấp nêu trên trong cả thời gian công tác ở vùng. Nhờ ưu đãi phụ cấp ngành, phụ cấp khu vực và chính sách thu hút, hai ngành Giáo dục, Y tế đã từng bước khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên và cán bộ y tế kéo dài trong nhiều năm qua. Sự quan tâm, động viên kịp thời của Đảng, Nhà nước đã giúp đội ngũ CBCCVC khắc phục được khó khăn, yên tâm công tác, góp phần phát triển các địa phương.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam khám, cấp phát thuốc miễn phí cho phụ nữ và trẻ em các dân tộc vùng biên. |
Vẫn còn bất cập
Theo đại diện các bộ: Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, quá trình triển khai Nghị định 116 vẫn còn bất cập, cho thấy sự thiếu thống nhất. Ngay cơ chế trợ cấp lần đầu dù có nhiều ưu việt nhưng vẫn tiềm ẩn những kẽ hở có thể tạo ra sự chênh lệch trong thụ hưởng. Với điều kiện xác định hưởng trợ cấp từ 3 năm trở lên (nữ) và 5 năm trở lên (nam), Nghị định không nêu rõ, đối tượng mới chuyển từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn được hưởng ngay trợ cấp hay phải hết thời hạn trên mới được hưởng.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi thông tin, qua khảo sát, có nơi cán bộ được hưởng trợ cấp ngay, có nơi sau 3 năm (với nữ), 5 năm (với nam) mới được hưởng. Chưa kể, Nghị định 116 quy định đối tượng thụ hưởng bao trùm cả nhiều đối tượng thụ hưởng đã được quy định trong các chính sách trước đó, nhưng lại không bãi bỏ hoặc có hướng dẫn cụ thể nên việc thực hiện chi trả khác nhau. Các chính sách phụ cấp thu hút, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của Nghị định số 116 chồng chéo với Nghị định số 61/2006/NĐ-CP và Nghị định số 64/2009/NĐ-CP…
Trước những bất cập này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng nên ban hành nghị định mới, hợp nhất các văn bản quy định chế độ đãi ngộ đối với CBCCVC, lực lượng vũ trang đang công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116, Nghị định 64, Nghị định 61... theo hướng rõ ràng, hợp lý về đối tượng, địa bàn, định mức thụ hưởng. Do đó, Bộ Nội vụ kiến nghị Chính phủ tổng kết các chính sách với cán bộ vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ban hành một nghị định mới thay thế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.