(HNM) -Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm mới được tổ chức tại Hà Nội, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết, đơn vị đã lỗ hơn 660 tỷ đồng...
Chao đảo sóng dữ, lỗ thật
Vài năm gần đây, vận tải biển gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu. Giá cước vận tải giảm mạnh khiến ngành này lao đao. Trong sóng gió, Vinalines vẫn giữ được đà tăng trưởng, có lãi. Năm 2010, tổng doanh thu đạt 20.934 tỷ đồng, tăng 16%, lợi nhuận đạt 1.241 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2009. Tuy nhiên, ngay thời điểm đó, Vinalines đã lường trước khó khăn và chỉ đặt mục tiêu doanh thu đạt 22.500 tỷ đồng, lãi từ 800 tỷ đồng đến 1.200 tỷ đồng trong năm 2011.
Tàu hàng Vinalines Global lớn nhất Việt Nam, có trọng tải hơn 73.000 tấn và 4 cẩu hàng.
Dẫu đã lường trước, nhưng 6 tháng đầu năm nay, tình hình diễn biến tệ hơn: tổng sản lượng vận tải biển của Vinalines đạt 15,4 triệu tấn, tổng sản lượng hàng thông qua cảng đạt 31,5 triệu tấn, doanh thu 10.405 tỷ đồng, nhưng lỗ hơn 660 tỷ đồng. Đây là điều bất ngờ bởi 15 năm hoạt động, Vinalines chưa từng lỗ. Những tưởng, Vinalines lỗ do phải "gánh" một số doanh nghiệp (DN) từ Vinashin chuyển sang, nhưng nếu tách phần lỗ của các đơn vị từ Vinashin thì vẫn âm 503 tỷ đồng.
Theo Tổng Giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Việt, 3 năm gần đây, các DN vận tải biển gặp nhiều khó khăn do giá cước giảm mạnh. Xu hướng sụt giảm tiếp tục tái diễn, dù đã phục hồi nhẹ năm 2010, nhưng lại giảm sâu trong 6 tháng đầu năm nay. Trong khi các DN khai thác cảng, kinh doanh dịch vụ hàng hải tăng trưởng thì phần lớn DN vận tải đều… lỗ. Cụ thể, Công ty Vận tải biển Vinalines lỗ 110 tỷ đồng, Công ty Vận tải biển Đông 75 tỷ đồng, Công ty Falcon 48 tỷ đồng, Chi nhánh Vinalines tại TP Hồ Chí Minh 140 tỷ đồng, Công ty Vinashinlines 78 tỷ đồng… "Cánh chim đầu đàn" Vosco không lỗ, nhưng chỉ lãi hơn 10 tỷ đồng. Bên cạnh bất lợi về giá cước, thời tiết diễn biến không thuận lợi, nạn cướp biển gia tăng… cũng ảnh hưởng xấu tới thị trường vận tải biển thế giới nói chung và đội tàu Vinalines nói riêng.
Chiến lược kinh doanh thích ứng hội nhập
Tàu biển mang cờ Việt Nam đi tới bốn bể, năm châu phần nào thể hiện sự lớn mạnh, niềm kiêu hãnh của dân tộc, khẳng định vị thế Tổ quốc trên bản đồ hàng hải thế giới. Tuy nhiên, dường như đến nay, đội tàu đó mới thực sự gặp "sóng dữ". Rõ ràng, với mức lỗ trên, việc hoàn thành kế hoạch đặt ra đầu năm thực sự là bài toán nan giải, nhất là trong bối cảnh vận tải biển vẫn rất khó khăn. Sản lượng vận tải, doanh thu có thể đạt được, nhưng đạt lãi theo mục tiêu trên thật quá khó. Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Việt cho biết, Vinalines sẽ phấn đấu cân bằng thu chi. Để hiện thực hóa điều đó, Vinalines đề ra 4 nhóm giải pháp gồm: đầu tư trọng điểm, hiệu quả; nâng cao năng lực cạnh tranh trong cả lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng, dịch vụ hàng hải; nâng cao chất lượng dự báo, thực hiện tốt quản lý rủi ro và kiểm soát chi phí, nâng cao năng suất lao động. Để hoàn thành nhiệm vụ, rõ ràng đòi hỏi sự nỗ lực của tổng công ty, đặc biệt là dự báo chính xác và có giải pháp kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn.
Còn nhớ, ngay từ đầu năm, Cục Hàng hải Việt Nam đã nhận định, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, khó khăn trong nước (thiếu tàu dầu, tàu chở khí hóa lỏng, giá nhiên liệu tăng, cước giảm...) nên phần lớn DN vận tải biển, đặc biệt là DN tư nhân gặp nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn đã được nhìn nhận, nhưng dường như chưa có sự đánh giá chính xác, đúng mức để có giải pháp cắt, giảm lỗ. Rõ ràng, công tác dự báo chính xác, từ đó đưa ra giải pháp, chiến lược kinh doanh thích ứng với biến động bất lợi có ý nghĩa quan trọng để giúp các DN băng qua sóng dữ.
Đội tàu Việt Nam đang tăng trưởng mạnh thời gian qua, nhưng một điều đã được cảnh báo là thị trường trong nước chưa được quan tâm đúng mức. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tàu biển nước ngoài được tham gia vận chuyển hàng hóa trên một số tuyến trong nước chiếm thị phần đáng kể. Một ví dụ nữa là đội tàu container Việt Nam hiện đang hoạt động theo hình thức cho thuê hoặc vận chuyển gom hàng cho các hãng tàu lớn nước ngoài. Đội tàu container đăng ký mang quốc tịch Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu vận chuyển hàng hóa, còn lại do đội tàu container nước ngoài đảm nhận. Đây là bất lợi không chỉ cho đội tàu trong nước mà cả cho chủ hàng nước nhà.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, bên cạnh đầu tư phát triển đội tàu, đặc biệt là tàu chở container, tàu dầu và tàu chuyên dụng khác, cần thiết phải hạn chế tàu biển nước ngoài vận chuyển hàng hóa trên các tuyến trong nước nhằm bảo vệ quyền vận tải nội địa cho đội tàu Việt Nam. Những khó khăn chủ quan cần được sớm giải quyết và khẩn trương xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp để giúp vận tải biển nước nhà phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.