Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cơn sốt” nhiên liệu thế giới gây sức ép với xăng dầu trong nước

Thanh Hải| 26/10/2021 20:39

(HNMO) - Giá xăng, dầu trong nước đã có phiên tăng thứ tư liên tiếp. Trong kỳ điều hành giá xăng, dầu chiều 26-10, giá xăng trong nước đã ở mức cao nhất trong 7 năm qua.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng lý do quan trọng là thị trường xăng dầu thế giới vừa qua chịu ảnh hưởng của việc các nước nới lỏng dần lệnh cấm đi lại, thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu; mức dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ sụt giảm... "Cơn sốt" này rõ ràng đang gây sức ép với thị trường xăng dầu trong nước.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng, giá than và khí đốt cũng tăng cao khi các nền kinh tế phục hồi, khiến dầu trở nên hấp dẫn hơn để làm nhiên liệu cho sản xuất điện, đẩy thị trường dầu thô tăng cao hơn. Từ mức thấp nhất là 16 USD/thùng vào ngày 22-4-2020, giá dầu Brent đã tăng đều đặn kể từ đó và hiện đã vượt mốc 80 USD/ thùng.

Giá dầu thô tăng đã góp phần khiến giá xăng và dầu diesel chạm mức cao nhất mọi thời đại. Theo đó, hiện nay, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới ở mức: 97,36 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 9,21 USD/thùng, tương đương tăng 10,44% so với kỳ trước); 100,38 USD/thùng xăng RON95 (tăng 10,13 USD/thùng, tương đương tăng 11,23% so với kỳ trước); 95,2 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 7,44 USD/thùng, tương đương tăng 8,48% so với kỳ trước); 94,56 USD/thùng dầu hỏa (tăng 6,50 USD/thùng, tương đương tăng 7,39% so với kỳ trước); 497,097 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 4,482 USD/tấn, tương đương tăng 0,91% so với kỳ trước).

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã khôi phục sản xuất, kinh doanh, đồng thời, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch thích ứng với tình hình mới đã khiến cho nhu cầu sử dụng xăng, dầu tăng mạnh.

Nhằm hỗ trợ đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, duy trì công cụ Quỹ bình ổn giá để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới khi giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng, nhất là khi dịch bệnh dần được kiểm soát, nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng, liên bộ Công Thương – Tài chính quyết định tăng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với xăng RON95, giữ nguyên mức chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu hỏa và dầu diesel, không chi Quỹ bình ổn giá đối với dầu mazut và điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Do việc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới (giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% đến 52,59%). Theo liên bộ Công Thương – Tài chính, nếu kỳ điều hành này không chi Quỹ bình ổn giá 1.100 đồng/lít thì giá xăng E5RON92 sẽ tăng 2.527 đồng/lít và giá bán là 24.210 đồng/lít. Tương tự như vậy, nếu kỳ điều hành này không chi Quỹ bình ổn giá 400 đồng/lít thì giá xăng RON95-III sẽ tăng 1.859 đồng/lít và giá bán là 24.738 đồng/lít…

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cơn sốt” nhiên liệu thế giới gây sức ép với xăng dầu trong nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.