Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơn sốt bất động sản tại châu Á: Cảnh báo nguy cơ “bong bóng”

Quỳnh Dương| 17/05/2021 06:32

(HNM) - Bất chấp đại dịch Covid-19 đang gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, thị trường bất động sản tại châu Á bất ngờ tăng chóng mặt trong thời gian gần đây. Chính quyền nhiều quốc gia đã phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ “bong bóng” và những hệ lụy khó kiểm soát từ thực trạng đầu cơ bất động sản.

Thị trường bất động sản tại châu Á đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng.

Theo ghi nhận của các tập đoàn phân tích tài chính, giá nhà đất liên tục “leo dốc” tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc… Chi phí mua căn hộ ở Seoul (Hàn Quốc) trong quý I-2021 đã tăng 4,3% so với quý IV-2020, cao hơn nhiều so với mức tăng 2% ghi nhận tại quý trước đó. Còn khu vực ven thành phố Singapore (Singapore), giá bất động sản tăng 6,1%. Tại Trung Quốc, bất chấp những quy định được ban hành hồi tháng 1-2021 nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, giá nhà mới ở các thành phố cấp 1 vẫn tăng do nguồn cung thấp giữa lúc nhu cầu gia tăng. Giá nhà trung bình tăng 4,8% trong tháng 2-2021 so với cùng kỳ năm ngoái. Một đại lý bất động sản ở Thượng Hải cho biết, người đầu tư vẫn sẽ mua nhà dù giá tăng cao hay các quy định được thắt chặt, vì họ tin rằng, bất động sản là loại tài sản tốt nhất có khả năng sinh lời cao.

Bà Christine Li, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Knight Frank ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, giá bất động sản cư trú tăng là do lực đẩy từ tiến trình tiêm vắc xin phòng Covid-19, triển vọng phục hồi kinh tế và thành công trong việc ứng phó với đại dịch của nhiều nước ở châu Á. Còn ông Mark Yip, Giám đốc điều hành Công ty Bất động sản Huttons ở Singapore nhận định, đại dịch đã nới rộng khoảng cách giàu nghèo. Cùng với việc chính phủ nhiều nước trên thế giới bơm tiền để hỗ trợ nền kinh tế là một dòng thanh khoản khổng lồ, từ đó đẩy lãi suất ngân hàng giảm xuống, trong khi giới đầu tư đang tìm kiếm những tài sản ổn định và sinh lời. “Tiếp lửa” cho cơn sốt bất động sản hiện nay còn là tâm trạng hưng phấn của giới đầu tư - bao gồm cả các nhà đầu tư ngoại quốc, vốn xem thị trường nhà đất châu Á là một khoản đầu tư có khả năng miễn nhiễm trước những bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu.

Trước tình trạng giá địa ốc tăng chóng mặt, một số chuyên gia lo ngại nếu không kịp thời kiểm soát, châu Á sẽ phải đối mặt với “kịch bản nổ bong bóng” bất động sản như đã từng xảy ra tại khu vực này vào năm 1997.

Để ngăn ngừa nguy cơ, nhiều quốc gia châu Á đã bắt đầu đưa ra những chính sách kiềm chế sức tăng trưởng quá nóng trên thị trường nhà đất. Các thành phố lớn ở Trung Quốc như Thâm Quyến, Bắc Kinh và Quảng Châu, đã triển khai các biện pháp điều tiết và kiểm soát thị trường địa ốc. Hồi tháng 2 vừa qua, Thâm Quyến công bố giá tham chiếu giao dịch cho những căn nhà được bán lại tại thành phố này, thường thấp hơn giá thị trường.  Tại Thượng Hải, chính quyền thành phố đã siết chặt quản lý thị trường bất động sản bằng việc nâng thời gian được phép bán nhà lên 5 năm với những căn nhà được hưởng chính sách ưu đãi. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã yêu cầu hạn chế tăng trưởng tín dụng để đầu tư nhà đất. Các nhà lập pháp nước này cũng gia hạn một chiến dịch kiềm chế rủi ro, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và bất động sản.

Tại Singapore, Chính phủ lên tiếng cảnh báo về cơn sốt địa ốc và tình trạng người dân vay nợ quá nhiều để mua bất động sản. Chủ tịch cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore Tharman Shanmugaratnam khuyến cáo người mua nên lưu ý về mức lãi suất và cần bảo đảm có đủ khả năng trả nợ trước khi đưa ra các quyết định tài chính dài hạn.

Trong bối cảnh nền kinh tế tại nhiều khu vực trên thế giới đang rất mong manh, việc kiềm chế nguy cơ tăng giá hay “bong bóng” thị trường bất động sản là biện pháp cấp bách, giúp các nước phục hồi kinh tế và tránh được những rủi ro.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơn sốt bất động sản tại châu Á: Cảnh báo nguy cơ “bong bóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.