(HNM) - Tại những phiên họp thường kỳ của Chính phủ mới đây, Thủ tướng đã lưu ý các ngành liên quan không để tình trạng
Trong thời gian qua, cụm từ như "đã tan băng, đang trên đà hồi phục..." là những nhận định trở nên quen thuộc với giới đầu tư, cũng như những người quan tâm đến BĐS. Bởi, khi thị trường BĐS đang ấm lên với lượng giao dịch thành công tăng mạnh kể từ đầu năm 2014 đến nay, thị trường bắt đầu có những cơn "sốt" giá tại một vài dự án ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Vấn đề ở đây "sốt" do nhu cầu thật hay các chủ đầu tư, các sàn giao dịch tạo ra "các chiêu" về sự khan hàng giả để kích thích tâm lý người mua?! Qua theo dõi cho thấy, những cơn "sốt" của thị trường BĐS vừa qua có quy mô hẹp, ở một số dự án tốt, chưa đủ sức "lây" thành cơn "sốt" cho toàn thị trường. Đây là hệ quả từ "tâm lý đám đông" của người mua, lẫn sự ham lợi trước mắt của người bán. Những cơn "sốt" này là ảo vì nó được tạo ra bởi chiêu trò tiếp thị, bán hàng của chủ đầu tư, môi giới chứ không xuất phát từ nhu cầu thực sự của thị trường. Tuy nhiên, từ sự "sốt" ảo này, cũng ít nhiều dẫn đến nỗi lo thật.
Theo các chuyên gia, chu kỳ của thị trường BĐS Việt Nam khá ngắn so với các nước tiên tiến trên thế giới. Chẳng hạn, ở nước ta chỉ 5 năm/chu kỳ, còn ở một số nước khác là 7 năm, 10 năm. Nói một cách dễ hiểu là ở nước ta cứ khoảng 5 năm thì thị trường BĐS lặp lại hiện tượng trầm lắng, "đóng băng" một thời gian dài, sau đó lại "bùng nổ". Đến đây, nhiều người sẽ đặt câu hỏi, liệu trong 5 năm tới, thị trường có tiếp tục phát triển quá "nóng" để rồi sau đó lại chìm trong cảnh "đóng băng" hay không? Về vấn đề này, một số chuyên gia lại cho rằng, ít nhất trong 5 năm tới sẽ không có "bong bóng" BĐS tại Việt Nam. Vì, theo lý thuyết, "bong bóng" BĐS sẽ xuất hiện cùng với sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế. Song, ở nước ta, thị trường BĐS lại thiếu sự minh bạch so với nhiều nước trên thế giới và thực tế đã từng xảy ra những đợt "bong bóng" khác với lý thuyết nói trên.
Mặc dù hiện nay thị trường đã thanh lọc những doanh nghiệp làm ăn "chộp giật", vốn là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng "đóng băng" của thị trường BĐS thời gian qua. Những doanh nghiệp còn lại thị trường hiện nay đều có năng lực thực sự và có tầm nhìn dài hạn, đã biết đầu tư vào các phân khúc đáp ứng nhu cầu thực của thị trường hơn. Lượng giao dịch thành công từ đầu năm 2015 đến nay tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ các năm trước đó, chủ yếu rơi vào phân khúc nhà đất có giá trung bình, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu ở. Song, đã có không ít người lo ngại nếu có những cơn "sốt" ảo bùng phát, dù ở quy mô nhỏ, cũng sẽ cản trở đà phục hồi của thị trường hiện nay. Khi những dấu hiệu này manh nha, những lưu lý của Chính phủ đến các ngành liên quan trong việc kiểm soát thị trường BĐS, tránh tình trạng "bong bóng" như đã từng xảy ra là rất cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.