Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn rào cản doanh nghiệp

Hồng Sơn| 08/10/2016 07:34

(HNM) - Gánh nặng đang dồn vào 3 tháng cuối năm, đòi hỏi sự cố gắng lớn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng như vai trò điều hành của các cơ quan quản lý, đáp ứng các nhu cầu chính đáng của DN.


Dây chuyền sản xuất đồ cơ khí tại Công ty TNHH Tâm Hợp, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn.
Ảnh: Viết Thành


81.451 doanh nghiệp thành lập mới

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động phát triển DN đang trên đà hồi phục rõ nét. Trong 9 tháng vừa qua, cả nước đã có thêm 81.451 DN thành lập mới, với tổng số vốn 629 nghìn tỷ đồng; tăng 19,2% về số DN và 49,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Số vốn đăng ký bình quân mỗi DN cũng tăng hơn 25%. Bên cạnh đó, có 20.500 DN hoạt động trở lại, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2015. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, đây là bước chuyển có tính bứt phá, thể hiện hiệu quả những biện pháp hỗ trợ DN của Chính phủ, đồng thời là điều kiện cần thiết để nền kinh tế có bước tăng trưởng tối đa có thể.

Thực tế, chỉ số tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng cao hơn qua các quý, trong khi giá trị nhập khẩu cũng tăng lên cho thấy, DN đã vững vàng hơn; hoạt động sản xuất, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo đang “đói” nguyên liệu, vật tư đầu vào để đáp ứng các yêu cầu, đơn hàng của đối tác từ nay đến cuối năm. Đáng ghi nhận là, tâm lý an tâm, vững tin vào tương lai kinh doanh đang phổ biến trong giới DN. Đơn cử, có hơn 80% số DN chế biến, chế tạo đánh giá tình hình hoạt động có chiều hướng tốt hơn trong quý III-2016. Hơn nữa, dự báo tình hình quý IV sẽ tiếp tục được cải thiện. Một số ngành được ghi nhận đang trên đà tăng trưởng tốt như: Bất động sản, hạ tầng du lịch, sản xuất thiết bị, linh kiện phục vụ lắp ráp sản phẩm điện tử, điện thoại, công nghệ thông tin, dịch vụ ngân hàng - tài chính…

Mới đây ADB dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 đạt 6%, thấp hơn mục tiêu 6,7%; đòi hỏi sự đóng góp của DN và sự hỗ trợ của Chính phủ phải mạnh mẽ hơn nữa trong 3 tháng còn lại, để đạt được mức tăng trưởng tối đa.

Cần gỡ những rào cản

Doanh nghiệp nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng đã được xác định là động lực khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế và là đối tượng được Chính phủ hỗ trợ, phục vụ. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa hết rào cản bất hợp lý gây bức xúc và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tại hội nghị lấy ý kiến về thủ tục hành chính do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, đại diện DN Ngành Dệt may đã bày tỏ lo ngại trước việc miễn kiểm tra mẫu vải nhập khẩu chưa được thực hiện thống nhất giữa các đơn vị, cửa khẩu; gây lúng túng cho DN. Trong khi, các DN nhập khẩu ô tô thấp thỏm hơn khi đứng trước mùa làm ăn cuối năm - vốn là thời điểm “vàng” để tăng doanh thu, nhưng lại gặp vướng vì Thông tư 20/TT-BCT của Bộ Công Thương về điều kiện nhập khẩu ô tô, dù đã nhiều lần kiến nghị bãi bỏ. Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phú Nguyễn Tuấn cho rằng, đáng lẽ Thông tư 20 đã hết hiệu lực từ ngày 1-7 vừa qua, nhưng nay vẫn là rào cản đối với DN. "Thời gian đối với DN vô cùng quý giá. Đến bao giờ thì mọi việc được giải quyết để các đơn vị chủ động lên kế hoạch kinh doanh?" - ông Nguyễn Tuấn đặt câu hỏi.

Tương tự ở lĩnh vực kinh doanh gas, ông Trần Trung Nhật, Giám đốc Công ty Gas Thái Dương (tỉnh Tây Ninh) cho biết, theo quy định thì thương nhân phân phối phải có đủ 100 nghìn vỏ bình gas và bồn chứa chuyên dụng thể tích 300m3. Đây gần như là "thách đố" đối với phần lớn DN quy mô nhỏ và càng khó chấp nhận khi Chính phủ, chính quyền các địa phương đang xác định DN dân doanh là động lực quan trọng, cần khuyến khích trong phát triển kinh tế quốc gia. Đại diện Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư cũng cho rằng, vẫn còn những quy định về điều kiện kinh doanh, như quy mô, trang thiết bị bắt buộc, khiến DN nhỏ khó thực hiện và hoặc gặp khó khăn khi tham gia thị trường, gây nên tình trạng bất bình đẳng. Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, sự chuyển động của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu của DN là rất quan trọng. Chỉ cần một thái độ thờ ơ, thiếu chia sẻ và đồng cảm tại một thời điểm nhạy cảm, có thể làm mất hy vọng, thậm chí mất tương lai của một DN.

Việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động hiệu quả là mục tiêu liên tục. Đó cũng là yếu tố quan trọng nhất, quyết định việc Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu có thêm 1 triệu DN trong 5 năm tới hay không. Hơn thế, sức sống của DN cần được đặt đúng tầm, với sự quan tâm thỏa đáng, kịp thời. Tại lễ ký cam kết thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, số lượng DN đăng ký thành lập tăng lên, nhưng không phải để lấy thành tích mà phải hỗ trợ để DN hoạt động hiệu quả. Quyết tâm của Chính phủ là rất rõ ràng, nhưng quan trọng hơn, cộng đồng DN sẽ nhìn vào động thái của lãnh đạo địa phương trong việc thực hiện chương trình hành động như thế nào. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Còn rào cản doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.