(HNM) - Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vừa thử nghiệm tuyến buýt hai tầng City tour (vòng quanh trung tâm thành phố) phục vụ phát triển du lịch. Để những chiếc xe này chính thức vận hành, trở thành một sản phẩm du lịch mới của Thủ đô, các ngành liên quan vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo Transerco, tuyến buýt City tour có điểm đầu - điểm cuối dự kiến được bố trí tại 2 vị trí theo tổ chức giao thông khu vực Bờ Hồ. Trong đó, vị trí 1 tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, vận hành từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần; vị trí thứ 2 tại Quảng trường Nhà hát Lớn, vận hành trên tuyến phố đi bộ quanh Bờ Hồ, từ chiều thứ sáu đến hết ngày chủ nhật hằng tuần. Tổng số điểm dừng đón trả khách trên toàn tuyến là 7 điểm gắn với 7 cụm di tích, danh lam thắng cảnh tham quan nổi tiếng của Thủ đô, gồm: Hồ Hoàn Kiếm - Nhà hát Lớn - Nhà tù Hỏa Lò - Điện Biên Phủ - Quán Thánh - Cửa Bắc - Văn Miếu - Bảo tàng Phụ nữ Hà Nội trên phố Lý Thường Kiệt.
Dự kiến, tuyến buýt City tour sẽ hoạt động với tần suất 30 phút/lượt, từ 9h đến 17h hằng ngày. Về phương tiện, đây là loại xe thiết kế hai tầng hiện đại, tiêu chuẩn Châu Âu, có mui hở như xe du lịch tại các đô thị hiện đại trên thế giới, không gian và tầm nhìn thoáng đãng thích hợp tham quan ngắm cảnh. Trên xe lắp đặt wifi miễn phí, hệ thống màn hình ti vi hướng dẫn điểm dừng, cùng một số tiện ích phục vụ khách du lịch như camera, tủ lạnh, quầy bar mini… Xe được Công ty CP ô tô Trường Hải sản xuất theo đơn đặt hàng riêng, phù hợp với điều kiện đặc thù của TP Hà Nội.
Trong buổi đầu chạy thử nghiệm lộ trình với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, các doanh nghiệp du lịch, nhiều ý kiến đánh giá cao ý tưởng phát triển và quảng bá du lịch Thủ đô bằng loại hình buýt hai tầng. Song, để nó trở thành một sản phẩm du lịch mới và hấp dẫn của Hà Nội thì các ngành chức năng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Đầu tiên là lộ trình, ban đầu Tổng công ty Transerco dự định cho xe chạy vào khu vực phố cổ để tăng tính hấp dẫn, nhưng chỉ sau khi tiếp cận thử với tuyến phố Lương Văn Can và Hàng Cân, ý tưởng này thất bại, bởi xe to nên việc di chuyển rất khó khăn. Do đó, chỉ có thể xây dựng lộ trình tuyến để hành khách tiếp cận các điểm tham quan du lịch ở phạm vi có thể đi bộ dưới 700m. Thứ nữa, trong quá trình chạy thử, nhiều tuyến phố như Tràng Tiền, Lê Thái Tổ, Điện Biên Phủ, Thanh Niên..., nhiều đoạn đường dây điện và tán cây thấp, chạm cả vào thành xe, cần phải được các cơ quan chức năng cắt tỉa, điều chuyển để không trở thành vật cản gây nguy hiểm. Tiếp đó là phương án chuẩn bị cho xe vận hành khi trời mưa, trời nắng để bảo đảm không ảnh hưởng tới hành khách ở tầng hai...
Đại diện Transerco cho biết, sau khi chạy thử nghiệm để đánh giá lộ trình, những vướng mắc trong quá trình vận hành, đơn vị sẽ ghi nhận và báo cáo UBND TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan. Để tuyến buýt City tour có thể đi vào vận hành ngay trong quý III - 2017, Tổng công ty đã đề nghị Sở GT-VT chấp thuận phương án hoạt động để làm cơ sở đầu tư phương tiện và chuẩn bị các điều kiện cần thiết; cấp phép hạ tầng đầu cuối và các điểm dừng đón trả khách dọc tuyến; Công ty Công viên cây xanh, Tổng công ty Điện lực Hà Nội khắc phục, xử lý đối với các bất cập về hạ tầng để bảo đảm chiều cao, lưu không an toàn cho xe buýt City tour...
Riêng với những kiến nghị, đề xuất về hệ thống thông tin đa ngôn ngữ tích hợp trên xe, điều này đã nằm trong tính toán của Tổng công ty từ ngay trong quá trình chuẩn bị. Transerco đã đề nghị các ngành liên quan hỗ trợ xác định các địa danh thu hút du lịch để tổ chức chạy xe hợp lý; chuẩn hóa thông tin giới thiệu về các địa danh du lịch...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.