(HNM) - Việc triển khai thực hiện “Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành” (gọi tắt là Đề án kinh doanh trái cây) nhằm tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây, bảo đảm an toàn thực phẩm đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Cửa hàng kinh doanh hoa quả Klever Fruits 174 Trần Duy Hưng đã được gắn biển nhận diện. |
Hàng nhập khẩu bảo đảm nguồn gốc, bảo đảm chất lượng
Là quận đầu tiên triển khai gắn biển nhận diện cửa hàng trái cây an toàn, hiện quận Cầu Giấy đã có 6 cửa hàng kinh doanh hoa quả đạt yêu cầu của “Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội”. Đó là các cửa hàng trong chuỗi của Công ty TNHH Đầu tư K.L.V.E (5 cửa hàng) và Công ty cổ phần V-Food Việt Nam (1 cửa hàng). Các cửa hàng này phải đáp ứng 4 nhóm điều kiện gồm: Điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm; nhân lực; cơ sở vật chất - trang thiết bị kinh doanh; nguồn gốc - xuất xứ - tiêu chuẩn trái cây.
Có mặt tại cửa hàng Klever Fruits (174 Trần Duy Hưng), chúng tôi nhận thấy tại đây có nhiều loại hoa quả (cam, nho, táo...) có xuất xứ từ Australia, Mỹ, Nhật, Hàn… Hầu hết các sản phẩm được bày trong tủ mát, được bao gói cẩn thận. Đặc biệt Klever Fruits còn có bao bì đặc trưng để đựng trái cây hay đóng gói sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.
Theo chị Phạm Thị Thuận, nhân viên chăm sóc khách hàng của Klever Fruits, các sản phẩm được nhập khẩu trực tiếp nên bảo đảm đúng, đủ theo quy định pháp luật. Ngay cả bao bì đóng gói của công ty cũng có những tiêu chuẩn rất cao. Cơ sở hạ tầng bảo quản và vận chuyển giữ lạnh trái cây cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với những người tham gia các khâu kinh doanh đều được bảo đảm quy định.
Tuy có số cửa hàng được gắn biển nhận diện kinh doanh trái cây an toàn ít hơn Klever Fruits, nhưng ông Bùi Thế Dũng, Giám đốc Điều hành hệ thống cửa hàng hoa quả Luôn tươi sạch (Công ty cổ phần V-Food Việt Nam), cho biết: Để đáp ứng tiêu chí của Đề án trái cây gắn biển nhận diện, đơn vị đã đầu tư, thay mới cơ sở vật chất cửa hàng, đáp ứng yêu cầu về trưng bày và bảo quản trái cây. Cùng với đó là cử toàn bộ cán bộ quản lý, nhân viên đi tập huấn các nội dung do Sở Công Thương tổ chức. Sau đó làm việc với các đơn vị cung cấp, nhà nhập khẩu để bảo đảm cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ… để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất.
Quan tâm tới sản phẩm nội địa
Thực hiện quy định của thành phố, ngoài quận Cầu Giấy, mới đây nhất, các quận Ba Đình, Thanh Xuân cũng đã tiến hành gắn biển nhận diện tại các cửa hàng kinh doanh trái cây đạt tiêu chuẩn. Theo lộ trình của đề án, UBND các quận sẽ tiến hành rà soát các cửa hàng đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu để dần nhân rộng ra 12 quận nội thành. Theo Sở Công Thương, căn cứ kết quả khảo sát, các cửa hàng kinh doanh trái cây được chia thành 3 nhóm đối tượng. Đối tượng 1 là các cửa hàng kinh doanh trái cây có đăng ký kinh doanh, đã được xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc giấy cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Đối tượng 2 là cửa hàng kinh doanh trái cây có đăng ký kinh doanh; chưa được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Đối tượng 3 là cửa hàng kinh doanh trái cây chưa có đăng ký kinh doanh và chưa được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Từ nay đến tháng 2-2018, các quận nội thành sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các nhóm đối tượng hoàn thiện các điều kiện quy định của Đề án kinh doanh trái cây để được cấp biển nhận diện, hoặc thực hiện các thủ tục pháp lý, xác nhận kiến thức hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ quan có thẩm quyền để đủ điều kiện được cấp biển nhận diện.
Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Ngoài việc lập danh sách các cửa hàng đáp ứng được yêu cầu của Đề án kinh doanh trái cây để đăng ký cấp biển nhận diện, hằng tháng, các quận còn thường xuyên cập nhật có sự thay đổi (thu hồi hoặc cấp mới) gửi về Sở Thông tin và Truyền thông để tuyên truyền trên toàn thành phố và gửi về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố. Việc tăng cường quản lý, kết nối, hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trái cây an toàn trên địa bàn thành phố sẽ thực hiện bằng cách công khai địa chỉ các hợp tác xã, cơ sở, vùng trồng cây ăn quả tập trung, sản lượng trái cây sản xuất tại Hà Nội để các cửa hàng có thông tin và lựa chọn nguồn cung sản phẩm trái cây bảo đảm an toàn, chất lượng. Sở Công Thương sẽ phối hợp với 1 quận làm thí điểm tuyến phố không kinh doanh trái cây trên vỉa hè, lòng đường trong tháng 12-2017.
Trước những nỗ lực của thành phố, cơ quan quản lý, cửa hàng kinh doanh nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, thực hiện văn minh thương mại và trật tự đô thị… sẽ góp phần tạo niềm tin với người dân Thủ đô. Để đề án thực sự đi vào cuộc sống và bền vững còn cần nhiều giải pháp đồng bộ như tăng nguồn lực cho chuỗi cung ứng sản phẩm trái cây được chứng nhận an toàn, kết nối các nguồn cung cấp trái cây an toàn giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố… tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa cửa hàng kinh doanh có đăng ký với cửa hàng online không có đăng ký, không bị kiểm tra nguồn hàng nhưng số lượng hàng bán ra rất lớn. Cùng với đó là các biện pháp hữu hiệu để quản lý nguồn hàng từ các hàng rong, cửa hàng hoa quả nhỏ lẻ cũng như tuyên truyền để thay đổi thói quen người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.