(HNM) - Trong hơn 56 nghìn tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) của cả nước, khu vực nông thôn có 9.100 TCCSĐ. Đông về số lượng, là nơi trực tiếp thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, cầu nối giữa Đảng với nhân dân...
Lớp bồi dưỡng chính trị cho đảng viên tại Trung tâm chính trị thị xã Sơn Tây. Ảnh: Bá Hoạt
Tại buổi tọa đàm khoa học về "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ" do Tạp chí Cộng sản tổ chức mới đây, PGS, TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập tạp chí cho biết, trong tổng số 3,6 triệu đảng viên cả nước, có tới 1,6 triệu đảng viên ở khu vực nông thôn đang sinh hoạt tại 9.100 TCCSĐ. Ưu điểm của TCCSĐ ở khu vực này là làm rất tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đội ngũ cán bộ cấp ủy nhiệt tình, số đông cấp ủy biết vận dụng chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào tình hình địa phương mình; đa số đảng viên có phẩm chất chính trị vững vàng, đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Liên hệ với các TCCSĐ ở khu vực ngoại thành Hà Nội có thể thấy, đánh giá trên hoàn toàn có cơ sở. Chiếm 76% tổng số đảng viên toàn huyện, đảng viên nông thôn ở Thanh Oai luôn gương mẫu thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Từ tự nguyện hiến đất mở đường đến năng động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đảng viên đều gương mẫu làm trước để nhân dân làm theo, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi ở cơ sở. Tại huyện Đông Anh, với sự tiên phong của đảng viên, đến nay hơn 30% gia đình trên địa bàn huyện có người thân qua đời lựa chọn phương pháp hỏa táng, vừa giảm chi phí, vừa bảo vệ môi trường, làm cơ sở để huyện triển khai rộng rãi mô hình "tang văn minh".
Không chỉ vậy, đến nay TCCSĐ ở khu vực nông thôn đã thống nhất mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt Đảng, tổ chức tốt việc học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng. Các cấp ủy đã khẳng định vai trò lãnh đạo, nhất là trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương... So với TCCSĐ trong các loại hình DN (nhất là DN khu vực ngoài nhà nước) hiện đang gặp lúng túng trong hoạt động, quản lý đảng viên, chưa xây dựng mối quan hệ giữa cấp ủy và lãnh đạo DN, chưa phát huy tốt vai trò lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế... thì những kết quả đạt được của TCCSĐ ở nông thôn đáng được ghi nhận.
Đặc biệt, phát huy vai trò là "cầu nối giữa Đảng với nhân dân", TCCSĐ ở nông thôn đã làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Đơn cử như việc tuyên truyền quan điểm của Đảng, Nhà nước về vấn đề biển Đông, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức của đảng viên và nhân dân về chủ trương giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và gìn giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước. Trực tiếp gần dân, các TCCSĐ ở nông thôn luôn lắng nghe và chuyển tải tâm nguyện của người dân đến Đảng, giúp cho mối quan hệ giữa Đảng và dân ngày càng gắn bó khăng khít.
Dù có nhiều ưu điểm, tại buổi tọa đàm, PGS, TS Vũ Văn Phúc vẫn cho rằng TCCSĐ và đảng viên ở nông thôn "đông nhưng không mạnh". Điều đó được thể hiện qua việc thiếu sáng tạo khi cụ thể hóa nghị quyết của Đảng; chưa tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Chưa kể cán bộ, đảng viên còn yếu về chuyên môn, lý luận; năng lực lãnh đạo của không ít cấp ủy còn hạn chế, có nơi để xảy ra vi phạm, làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Cùng với đó, sức ép của dòng họ, tính cục bộ của làng xóm chi phối rất lớn đến đảng viên. Tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu, tình trạng "dĩ hòa, vi quý" khá phổ biến. Ngay tại một xã ở huyện ngoại thành của Hà Nội, khi TP có chủ trương xây dựng nghĩa trang, một dự án có ý nghĩa nhân văn và được bảo đảm an toàn cho môi trường, thay vì phải chấp hành và tuyên truyền, thuyết phục người dân ủng hộ, hầu hết đảng viên, các chi bộ ở địa phương này lại phản đối, khiến cho dự án chậm triển khai.
Trực tiếp làm chủ nhiệm đề tài khoa học "Xây dựng đội ngũ đảng viên nông thôn vững mạnh", nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Phạm Đức Lượng khẳng định, công tác xây dựng Đảng ở khu vực này đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy vậy vẫn còn nhiều trăn trở. Ông đã đi thực tế tại một số tỉnh Nam bộ, nghe báo cáo của cấp ủy rất hay, nhưng thực chất như thế nào phải tìm hiểu trong dân mới rõ. Theo ông Phạm Đức Lượng, nếu coi TCCSĐ là hạt nhân lãnh đạo, là nền tảng thì đảng viên phải được coi là nền tảng của nền tảng.
Để phát huy vai trò, nâng cao năng lực lãnh đạo của các TCCSĐ, xây dựng đội ngũ đảng viên nói chung, khu vực nông thôn nói riêng trong sạch, vững mạnh, các ý kiến trao đổi tại buổi tọa đàm cho rằng cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các TCCSĐ ở nông thôn. Gắn xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh với xây dựng các đoàn thể quần chúng vững mạnh. Mỗi cấp ủy cần xác định rõ trách nhiệm của chi bộ, tổ đảng và phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên. Song song với đó là tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt, chú trọng phát triển Đảng và tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn ngừa sai phạm. Một điều quan trọng theo ông Phạm Đức Lượng là, "nếu xây dựng được đội ngũ đảng viên nông thôn thật tốt, vững mạnh, thì một cá nhân lãnh đạo muốn làm sai, đội ngũ đảng viên cũng không cho phép".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.