(HNM) - Độ rủi ro cao, thiếu vùng nguyên liệu, đất đai, hạ tầng, vốn... khiến các nhà đầu tư dè chừng khi đầu tư vào nông nghiệp.
Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết: Theo khảo sát của đơn vị, có 63% doanh nghiệp nói "khó khăn", 46% "rất khó khăn" về tiếp cận đất đai. Nguyên nhân chính là do sản xuất nông nghiệp của Việt Nam manh mún, với 13 triệu hộ nông dân nhưng diện tích trung bình chỉ đạt 0,3ha. Hầu hết doanh nghiệp đều khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Bùi Quang Cẩm: Mặc dù tỉnh đã 2 lần dồn điền, đổi thửa nhưng do diện tích đất của nông dân nhỏ, trong khi đó sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần quy mô lớn. Vì vậy, để tuyên truyền vận động hàng trăm hộ dân, thậm chí hơn một nghìn hộ dân trong một xã đồng thuận cho doanh nghiệp thuê đất là việc không đơn giản, trong khi đó Luật Đất đai chưa có chế tài quy định đối với trường hợp này...
Về chính sách tín dụng, mặc dù các ngân hàng bước đầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, song vẫn rất khó khăn. Bà Bùi Hường Bích, Giám đốc HTX Đan Hoài - Flora Việt Nam (huyện Đan Phượng) cho biết: Hiện để đầu tư nhà kính sản xuất hoa, chi phí lên tới 2 - 3 tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, theo quy định điều kiện vay vốn của ngân hàng, doanh nghiệp rất khó tiếp cận với vốn vay ưu đãi, trong khi đầu tư vào nông nghiệp kinh phí ban đầu tương đối cao, song thu hồi vốn chậm, lãi suất thấp... Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp miễn giảm thuế có thời hạn tối đa dưới 10 năm chỉ phù hợp với doanh nghiệp thương mại mà chưa sát với thực tiễn của doanh nghiệp nông nghiệp...
Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đang là yếu tố quan trọng để hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, sản phẩm đạt chất lượng cao, bảo đảm chất lượng phục vụ xuất khẩu. Để tháo gỡ khó khăn, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh: Các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh quá trình tích tụ ruộng đất phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực cho phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn theo đặc thù sản xuất, kinh doanh và hình thức huy động tích tụ... Bên cạnh đó, cần tiến tới xóa bỏ hạn điền, kéo dài thời hạn sử dụng đất. Thực tế, quyền tài sản đối với đất đai làm tăng chi phí sản xuất, khiến chất lượng sản phẩm không đồng đều; thời hạn sử dụng đất, thu hồi đất nông nghiệp tăng rủi ro cho chủ đầu tư, giảm động lực đầu tư dài hạn…
Cùng với tích tụ đất đai, cần tập trung giải quyết tổng thể khó khăn về nguồn vốn, chính sách thuế. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ĐTK Vũ Minh Ngọc (tỉnh Phú Thọ) kiến nghị: Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với nguồn vốn tín dụng bằng cách đơn giản hóa các thủ tục vay vốn; ngân hàng nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay khi doanh nghiệp có dự án; xem xét chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhất là kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.