(HNM) - Những năm gần đây, các công trình cải tạo, xây dựng mới chung cư cao tầng, công trình công cộng đã cơ bản tuân thủ các quy định theo tiêu chuẩn, quy chuẩn cho người khuyết tật
Với lối đi dành riêng như thế này, người khuyết tật có thể dễ dàng ra vào chung cư. |
Tại hội thảo mang tên "Thúc đẩy thực hiện quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng công trình bảo đảm NKT tiếp cận và sử dụng" do Hội NKT Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức mới đây, hầu hết đại biểu tham dự thừa nhận hiện NKT vẫn còn gặp phải quá nhiều rào cản khi tiếp cận các công trình xây dựng. Ông Trần Hữu Hà, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho hay: Việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn mới được thực hiện tập trung ở một số đô thị lớn, mức độ tiếp cận tiện ích đối với NKT chỉ ở mức tối thiểu. Công trình được chú trọng trong quá trình thiết kế, xây dựng bảo đảm được vấn đề tiếp cận chủ yếu là công trình dịch vụ xã hội (chiếm tỷ lệ cao nhất là công trình y tế - 22,6%, sau đó đến công trình giáo dục - 20,8%, công trình triển lãm, nhà trưng bày - 13,2%, trung tâm hội nghị, trụ sở cơ quan - 11,3%). Các công trình xây dựng chưa được chú ý cho NKT tiếp cận là chợ, siêu thị (chiếm 5,7%), nhà thi đấu (chiếm 3,8%), bưu điện, nhà ga, cửa khẩu (chiếm 7,5%), công trình có tỷ lệ tiếp cận ít nhất là ngân hàng (chiếm 1,9%)…
Ông Nguyễn Quang Huy, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết có khá nhiều dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo nhà chung cư và xây dựng các công trình công cộng "bỏ quên" hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn để NKT tiếp cận. Trong quá trình kiểm tra các công trình, các sở, ban, ngành của thành phố, thanh tra xây dựng, UBND các quận, huyện đã phải đôn đốc các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế khắc phục, bổ sung thiết kế nhằm phục vụ NKT. "Các sai sót thường mắc như thiếu đường dốc lên xuống cho NKT, độ dốc cao hơn so với quy định, góc cua gấp, độ rộng của đường dốc không đủ theo tiêu chuẩn; cửa ra vào khu vệ sinh có kích thước thường là 65cm-75cm (theo quy định là hơn 80cm, không đủ chiều rộng để xe lăn của NKT ra vào); chiều cao bệ xí và tay vịn trong khu vệ sinh đều cao hơn so với quy định của tiêu chuẩn xây dựng..." - Ông Huy nói.
Chị Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Sống độc lập của Hội NKT Hà Nội đánh giá: Nhiều công trình không có chỗ để xe cho NKT, hoặc có hầm để xe nhưng độ dốc lên xuống hầm quá lớn. Ngoài ra, nhiều tòa nhà có thang máy nhưng không có âm thanh báo hiệu cho người khiếm thị, hoặc có thang máy nhưng lại ở trên tầng hai, trong khi NKT chỉ có thể tiếp cận được tầng một.
Việt Nam hiện có khoảng 6,7 triệu NKT, trong đó riêng Hà Nội có 90.000 người. Từ năm 1998, Pháp lệnh về người tàn tật đã quy định, việc đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo công trình nhà ở, các công trình công cộng và thiết kế, chế tạo các dụng cụ sinh hoạt phải tính đến nhu cầu sử dụng thuận tiện của NKT. Để thực hiện pháp lệnh trên, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn về tiêu chuẩn xây dựng các công trình xây dựng... nhưng các cơ quan, doanh nghiệp đã không thực hiện đúng các quy định đó, nhất là các công trình tại xã, phường, thị trấn. Môi trường tiếp cận không bảo đảm đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của NKT.
Quy định đã khá đầy đủ và chế tài hiện cũng không thiếu nhưng NKT vẫn gặp phải quá nhiều "rào cản" từ các công trình xây dựng. Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng do ý thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng trước pháp luật và cộng đồng còn yếu. Ông Trần Hữu Hà cho hay, thực tế việc triển khai xây dựng công trình tiếp cận cho NKT còn gặp phải một số trở ngại do nhận thức của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, xây dựng công trình chưa cao. Hầu hết kiến trúc sư vẫn có thói quen thiết kế theo kinh nghiệm, không quan tâm các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tâm lý e ngại giá thành công trình tăng lên... Đối với các công trình xây dựng, chỉ cần các cơ quan, đơn vị và cá nhân có trách nhiệm không ký duyệt thiết kế và không ký nghiệm thu các công trình nếu không bảo đảm quy chuẩn xây dựng thì chắc chắn các công trình thiếu hạng mục dành cho NKT sẽ không có đủ điều kiện để đưa vào hoạt động. "Nếu các công trình xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn về tiếp cận thì NKT hoàn toàn có thể đi làm như những người bình thường khác" - Chị Nguyễn Hồng Hà chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.