Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn nhiều hạn chế

THANH HIỀN| 02/06/2012 08:03

(HNM) - Hằng năm, ngành dệt may (DM) nước ta tiêu thụ khoảng 400.000 tấn bông, nhưng lượng bông nhập khẩu chiếm tới 98%, sản lượng bông trong nước chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu.


Sau 2 năm triển khai chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, việc phát triển cây bông vải đã có những chuyển biến tích cực, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế. Hiện, tổng diện tích trồng bông cả nước khoảng 12.000ha, chỉ bằng 1/3 mục tiêu đề ra cho năm 2015.


Với mục tiêu phát triển cây bông vải nhằm tự túc một phần nguyên liệu cho ngành DM, từng bước tăng tỷ trọng nguyên, phụ liệu trong cơ cấu giá thành sản phẩm, nâng giá trị gia tăng vải sợi, may mặc sản xuất trong nước, giảm nhập siêu, tạo điều kiện cho ngành DM phát triển ổn định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 8-1-2010, phê duyệt chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn DM Việt Nam (Vinatex) cùng các DN trong ngành bông triển khai thực hiện chương trình.

Sau hơn 2 năm, diện tích và sản lượng cây bông vải đã tăng liên tục với hai hình thức là phát triển theo mô hình phân tán trong dân và mô hình tập trung. Đối với mô hình phát triển phân tán trong dân, diện tích trồng bông tăng liên tục kéo theo sản lượng tăng trưởng khá khả quan. Niên vụ 2010-2011 đạt 12.087 tấn bông hạt, 4.695 tấn bông xơ, tăng hơn niên vụ trước 12%. Niên vụ 2011-2012 đạt 13.512 tấn bông hạt, 4.864 tấn bông xơ, tăng 6,5%. Với mô hình phát triển bông tập trung, ngành bông đã thử nghiệm và phát triển các mô hình trồng bông trang trại áp dụng cơ giới hóa, chủ động tưới tiêu. Vinatex đã tổ chức mô hình trang trại mẫu tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, dựa trên phương pháp tưới nhỏ giọt của Israel và cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất. Kết quả, năng suất bông trồng bằng tưới nhỏ giọt cao hơn cây bông trồng bằng tưới thông thường trên cùng loại đất từ 2,5 đến 3 lần. Một trang trại trồng bông ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận áp dụng phương pháp tưới xả tràn. Qua triển khai thử nghiệm, cả hai mô hình nêu trên đều cho kết quả rất khả quan, bông thu hoạch có tỷ lệ xơ và khả năng chống chịu sâu bệnh cao.

Hiện nay, do diện tích đất trồng bông ở các tỉnh không ổn định, số DN tham gia đầu tư trồng, kinh doanh bông còn ít vì lợi nhuận thấp, nên kết quả của chương trình đạt được rất hạn chế so với mục tiêu. Sản lượng bông có tăng nhưng còn ở mức khiêm tốn. Hiện tổng diện tích trồng bông cả nước mới đạt khoảng 12.000ha, gần bằng 1/3 chỉ tiêu đề ra cho năm 2015 là 30.000ha; tổng sản lượng bông xơ chỉ xấp xỉ 5.000 tấn, bằng 1/4 so với chỉ tiêu đặt ra cho năm 2012 là 20.000 tấn.

Sở dĩ ngành bông chưa phát triển mạnh là do tập quán sản xuất phân tán, manh mún. Dù tại Bình Thuận giá bông hạt đã tăng từ 9.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg, tại các tỉnh Tây Nguyên là 17.000-18.000 đồng/kg, nhưng giá bông vẫn thấp so với giá sản phẩm các cây trồng khác, chưa tạo động lực để người nông dân phát triển cây bông vải. Theo Tập đoàn DM Việt Nam, nếu trồng bông theo mô hình trang trại, lợi nhuận thu được sẽ cao hơn nhiều so với các loại cây khác. Nhưng các giải pháp về quy hoạch, đầu tư, khoa học công nghệ, tài chính… chưa được cụ thể hóa. Cơ chế tiếp cận nguồn vốn ưu tiên cho chương trình vẫn chưa được ban hành. Qũy đất dành cho phát triển bông trang trại còn hết sức khó khăn. Ngay cả việc thành lập qũy bình ổn giá thu mua bông hạt trong nước để ổn định giá, bảo đảm lợi ích cho người trồng vẫn chưa thực hiện được.

Theo Bộ Công thương, để đạt được mục tiêu của năm 2015, cần phát triển trồng bông trang trại, cơ giới hóa, chủ động tưới tiêu… để tạo bước đột phá về năng suất, sản lượng bông, khuyến khích DN dệt liên kết chặt chẽ với DN sản xuất bông theo nhiều hình thức; quy hoạch, đầu tư phát triển mạnh vùng trồng bông chủ động nước tưới theo phương pháp tiên tiến, đưa năng suất lên 2,5-3 tấn/ha. Đồng thời, cần sớm áp dụng các biện pháp kỹ thuật thích hợp, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm may mặc trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành DM phát triển ổn định...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều hạn chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.