Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn nhiều bất cập

Dương Thúy| 04/01/2012 06:27

(HNM) - Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân là ô tô, xe máy khi vào trung tâm thành phố trong khung giờ từ 6h đến 8h30 và từ 16h đến 19h (trừ thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ).

Theo đó, mức cao nhất đối với ô tô thường xuyên lưu thông trong giờ cao điểm là 50 triệu đồng, với mô tô là 1 triệu đồng/xe/năm. Những xe không mua phí cả năm thì chủ phương tiện sẽ nộp phí theo từng lượt vào nội đô tại các trạm thu phí… Báo Hànộimới đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau xung quanh đề xuất này...

Ông Bùi Văn Bốn (Công ty cổ phần Truyền thôngquốc tế Incom, phố Duy Tân, quận Cầu Giấy): Không nên giải quyết “phần ngọn” của vấn đề

Việc thu phí ô tô, mô tô vào thành phố giờ cao điểm là đề xuất chỉ giải quyết phần ngọn, mà không thực sự giải quyết vấn đề gốc rễ sinh ra nạn ùn tắc giao thông nghiêm trọng hiện nay. Theo tôi, nạn kẹt xe triền miên trong các thành phố lớn là hậu quả của việc quản lý nhà nước yếu kém, tầm nhìn hạn chế, chỉ chú trọng vào lợi ích trước mắt, chưa vì lợi ích của cộng đồng. Để giải quyết tình trạng này, không thể chỉ ngành GTVT "ra tay" là xong, mà phải có sự phối hợp của các bộ, ban, ngành để thực hiện những giải pháp tổng thể như: di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi khu vực nội thành, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng về đường giao thông; giải phóng các bãi trông xe tự phát, dẹp chợ cóc, chợ tạm, xóa bỏ nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường… Trong số những vấn đề nêu trên, rất nhiều việc thuộc trách nhiệm của ngành GTVT, nhưng vẫn chưa được ngành sát sao, quyết tâm thực hiện. Đề xuất của Bộ GTVT là biện pháp không mang lại hiệu quả cao, mà chỉ gây thêm bức xúc cho xã hội.

Ông Phạm Hồng Sơn (Công ty cổ phần Chứng khoán Maritime Bank, phố Láng Hạ, quận Đống Đa): Đề xuất có mang tính áp đặt?

Trong thời gian qua, nhiều loại phí được ngành GTVT đề xuất, nhưng phần lớn đều không nhận được sự đồng tình của người dân. Các loại phí này đều đổ lên vai người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, dẫn đến chi phí toàn xã hội tăng theo. Tại sao ngành GTVT chỉ nghĩ đến việc hạn chế phương tiện cá nhân thông qua các loại phí, lệ phí, mà không nghĩ rằng vì sao người dân phải sử dụng nhiều phương tiện cá nhân đến vậy? Nếu Thủ đô Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh có cơ sở hạ tầng về giao thông tốt, bảo đảm không vận động, người dân vẫn tự giác sử dụng các phương tiện công cộng. Nếu thu tiền vào giờ cao điểm từ 6h đến 8h30 và từ 16h đến 19h, chủ phương tiện sẽ tìm cách lùi giờ vào nội thành và chưa biết chừng, giờ "cao điểm" sẽ kéo dài so với hiện tại. Theo tôi, đề xuất này không giải quyết được mấu chốt của nạn kẹt xe, ngành GTVT không nên nóng vội, sử dụng những biện pháp tình thế mang tính áp đặt quá cứng nhắc như vậy.

Ông Vũ Ngọc Côn (Công ty cổ phần Thương mại công nghệ Phú Đô, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân): Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Thời gian qua, người dân đã ghi nhận sự cố gắng của ngành GTVT trong nỗ lực giải quyết nạn ùn tắc giao thông, song những biện pháp mang tính quyết định thì thực hiện chưa quyết liệt. Nếu hạn chế lượng xe cá nhân, tại sao các bộ, ngành không hạn chế nhập khẩu xe, không hạn chế số lượng đăng ký xe của các doanh nghiệp vận tải hoạt động trong khu vực nội đô? Tại sao những công trình giao thông kém chất lượng, hoàn thành không đúng tiến độ không bị xử lý? Thiết nghĩ, trước khi áp đặt trách nhiệm cho các chủ phương tiện tham gia giao thông, ngành chủ quản cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, thì người dân mới "tâm phục, khẩu phục"...

Ông Đặng Ngọc Tài (Ban Quản lý dự án quận Hà Đông): Quản lý, sử dụng phí thế nào?

Tôi băn khoăn không hiểu thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm để làm gì? Nếu là giải pháp tránh ùn tắc giao thông sẽ không khả thi, bởi họ đã mua được ô tô, xe máy thì cũng chẳng ngại ngần gì đóng thêm một khoản tiền để được đi xe riêng của mình. Ngoài ra, thu phí đối với xe ô tô cá nhân, mà không thu phí đối với xe ô tô công là bất bình đẳng. Hơn nữa, khi Nhà nước thu phí rồi, thì khoản tiền này được quản lý như thế nào? Sử dụng vào việc gì? Không những thế, với thực trạng hạ tầng giao thông ở Thủ đô và các thành phố lớn hiện nay, việc đặt trạm thu phí ở các cửa ngõ sẽ càng làm cho tình trạng ùn tắc giao thông trở nên trầm trọng hơn…

Bà Nghiêm Thị Mỹ Hương (Xí nghiệp Tyota Hoàn Kiếm, số 7 Đặng Thái Thân, quận Hoàn Kiếm): Quan tâm đến chiến lược mang tính dài hơi

Ngành GTVT không nên "nghĩ" ra các khoản phí để giảm ùn tắc giao thông, mà cần quan tâm hơn đến chiến lược, quy hoạch lâu dài đến các vấn đề: mở rộng đường, làm đường ngầm, phát triển thêm tuyến và tăng mật độ hoạt động của hệ thống xe buýt, xe chở khách công cộng… Việc đề xuất thực hiện biện pháp thu phí ô tô, xe máy đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm chẳng khác nào "dìm" các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô, xe máy(?). Bước sang năm 2012, có quá nhiều khoản phí đối với ô tô tăng: thuế 20% (tăng 8%), đăng ký xe 20 triệu đồng (tăng 18 triệu đồng), phí đăng kiểm, tiền gửi xe… "Trăm khoản phí đổ đầu dân" đã dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp, công ty kinh doanh ô tô gặp khó khăn, thua lỗ do lượng khách hàng sụt giảm. Nay thêm khoản phí lưu hành xe nội thành giờ cao điểm, khác nào đẩy khó khăn của ngành GTVT sang các doanh nghiệp và người dân(?).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.