(HNM) - Tết cổ truyền Việt Nam là Tết của cư dân nông nghiệp lúa nước. Từ ngàn xưa, đại bộ phận người Việt Nam đều lấy nghề trồng cây lương thực và thực phẩm làm nghề chính của mình. Trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nông dân thường dựa vào các tiết trong năm để cày cấy, gieo vãi, gặt hái và đúc rút kinh nghiệm quý.
Sau những ngày lao động vất vả, nhất là sau vụ thu hoạch, người lao động có những ngày nhàn nhã. Những lúc như vậy, họ tổ chức hội hè, đình đám vừa để chúc mừng, cầu ước những mùa làm ăn mới phát đạt hơn, có hiệu quả hơn. Thế là hội Tết (đọc chệch từ chữ tiết) ra đời.
Mừng tuổi ông bà - Nét đẹp của Tết cổ truyền. |
Hằng năm, có đến 12 lễ Tết như thế nhưng đông vui, nhộn nhịp nhất vẫn là Tết Nguyên đán (còn gọi là Tết cả). Trên mọi miền Tổ quốc, dân tộc nào cũng có lễ Tết độc đáo của mình. Hội Tết các dân tộc có cách gọi không giống nhau, ví như Nguyên đán (người Kinh), Ku-mor (người Tà ôi, Katu), Boong thơ Ku than (người Bru - Vân Kiều)… tất cả đều có ý nghĩa là năm mới. Một số dân tộc khác thì lại lấy tên một số công việc nào đó để đặt tên cho Tết. Người Ra đê gọi là “Tết rửa máng nước” (Klang đắc), người Cơ ho gọi là “Tết sửa gùi, đòn lúa” (Tết Lo boong)… Hầu hết Tết năm mới của các dân tộc đều diễn ra vào mùa xuân, khi tiết trời ấm áp, khí dương chan hòa đất đai, cây cối đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua sắc, cá lội tung tăng, chim chóc líu lo… Tất cả đều tràn đầy sức sống, sức xuân. Trong không khí tưng bừng, ấm áp ấy, lễ Tết được tổ chức để tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới.
Tết là xuân, là đẹp tươi, là mới mẻ, là sáng trong. Để đón Tết, mọi người rộn ràng, tất bật với công việc như sửa sang đường sá, trang hoàng nhà cửa và bàn thờ tổ tiên, giải quyết những việc tồn đọng lại của năm cũ. Chợ Tết đông vui tấp nập, rộn ràng. Người lớn mua các loại tranh Tết, dưa hành, câu đối đỏ; trẻ em đòi sắm quần áo mới và những con tò he ngộ nghĩnh; làng nào, xã ấy lo dựng cây nêu. Cây nêu càng cao bóng càng tỏa rộng, tà ma quỷ quái càng khó mà bén mảng tới. Ước mong của mọi người trong những ngày này là được “đón ông phúc vào nhà”, “đạp thằng bần ra khỏi cửa”. Bánh chưng, mâm ngũ quả… là những thứ không thể thiếu trong lễ cúng gia tiên. Mua sắm Tết cho bản thân và gia đình, người nông dân không quên việc chuẩn bị nguồn “lương thực”, chăm sóc chống rét cho gia súc, gia cầm vốn là những người bạn vô cùng thân thiết của nhà nông. Tết của cư dân người Việt mang tính cộng đồng. Những người đi xa đến ngày Tết cũng cố gắng thu xếp công việc, thời gian để về thăm quê, để viếng mộ tổ tiên, ông bà, để sum họp với gia đình, họ tộc. Những ngày đầu xuân năm mới, mọi người thường xóa đi mọi hiềm khích, giận hờn để đến với nhau, thăm hỏi chúc Tết nhau trong khuôn mặt rạng ngời và tấm lòng rộng mở đầy thiện cảm. Con cháu mừng thọ ông bà, cha mẹ; cha mẹ, ông bà lại chúc con cháu thảo hiền, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang tiến bộ… Tục lệ “Mùng một ăn Tết ở nhà/Mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”… thể hiện nghĩa tình trên dưới, sau trước thủy chung của người Việt. Đây cũng là biểu hiện của tính cộng đồng làng xã có từ lâu đời của cư dân lúa nước.
Tết đến, xuân về, lòng người tràn đầy sức xuân phơi phới. Miền biển mở hội cầu ngư, miền núi có lễ đâm trâu, làng xã tổ chức hội vật, đánh phết, chọi trâu… mang tinh thần thượng võ, khắp nơi tiếng hát, tiếng đàn, tiếng sáo rộn rã tưng bừng… cư dân làng xã, phường phố đến với hội hè, đình đám được thăng hoa về mặt tâm linh, được cùng cộng đồng thụ hưởng và sáng tạo văn hóa.
Tết cổ truyền người Việt luôn thực sự phong phú cả về mặt sinh hoạt tinh thần và sinh hoạt vật chất. Nó vừa thiêng liêng cao cả, vừa dân dã đời thường. Những phong tục tập quán đẹp và hay thường được lưu truyền mãi mãi, ví như tục tắm tất niên; tục khai bút đầu xuân; tục may áo mới cho trẻ con; tục mừng thọ người cao tuổi; tục xuất hành phát bờ; tát nước; tục kiêng nói to, nói tục, nói gở, đánh nhau, cãi vã… trong những ngày Tết. Tập tục nào cũng mang tính nhân văn, tính hướng thiện sâu sắc. Đó là những nét đẹp văn hóa cần trân trọng, giữ gìn và phát huy.
Tết Nguyên đán cổ truyền Việt Nam hội đủ tam khôi - một ngày mới, một tháng mới, một năm mới. Là ngày hội cư dân nông nghiệp lúa nước, tin rõ sắc thái nghề nghiệp, sắc thái dân tộc và sắc thái địa phương. Cho dù ngày nay, trong quá trình hội nhập và phát triển, với sự ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa, nhất là văn hóa phương Tây, nhưng những nét hay, nét đẹp trong văn hóa cổ truyền Việt Nam được thể hiện trong ngày Tết Nguyên đán thì mãi mãi vẫn còn. Bởi đó chính là nguồn nội lực đã, đang và sẽ mang đến cho chúng ta những gì tốt lành nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.