(HNM) - Không phân biệt bằng đại học tại chức hay chính quy khi đánh giá chất lượng cán bộ và sa thải ngay những người không đủ chuẩn...
Tuy nhiên, có một thực tế đáng tiếc là đề xuất đầu của cơ quan này có thể đáp ứng được, còn việc loại ra khỏi đội ngũ những cán bộ, công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" chưa thể làm ngay.
Cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ đội ngũ CBCC nâng cao về năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu công tác trong thời kỳ mới. Ảnh: Viết Thành |
Chưa có cơ sở loại bỏ CBCC yếu kém
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH Phan Trung Lý cho hay, thời gian qua, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ công chức (CBCC) và Luật Viên chức còn chậm so với kế hoạch. Tại thời điểm luật có hiệu lực, nhưng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành của Chính phủ chưa được ban hành hoặc ban hành chưa đồng bộ. Đến khi có nghị định của Chính phủ thì một số quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức (CCVC) vẫn phải chờ thông tư nên dẫn đến lúng túng trong quản lý. Ngoài chậm ban hành chính sách, UBTVQH nhận định, Bộ Nội vụ còn chậm phản ứng trước các vấn đề thời sự của ngành.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của QH Phan Xuân Dũng và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển, thời gian qua, mặc dù nhiều cơ quan báo chí đưa tin có 1/3 lượng CBCC sáng cắp ô đi, tối cắp ô về; Đảng cũng thừa nhận có một số CBCC yếu kém làm việc trong các cơ quan công quyền, thế nhưng loại ai và ai loại luôn là câu hỏi không dễ có câu trả lời trong một sớm một chiều. Bởi đến nay, Bộ Nội vụ chưa có văn bản hướng dẫn các địa phương phân loại cán bộ để có cơ sở loại bỏ những CBCC yếu kém. Ngoài ra, hiện tượng phân biệt bằng cấp đại học tại chức hay chính quy cũng phổ biến ở nhiều địa phương, đặc biệt là Nam Định. Đây là việc làm phạm luật, Bộ Nội vụ đã có công văn nhắc nhở nhưng có những bộ, ngành, địa phương lại thiếu cương quyết trong xử lý, gây nên bức xúc trong dư luận xã hội. Chính bởi việc thanh, kiểm tra chưa sâu sát, thường xuyên, xử lý sai phạm chưa triệt để là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho kỷ luật công vụ chưa nghiêm.
Hiện vẫn chưa có đánh giá chính xác về số CBCC không làm được việc. Ảnh: Trần Hải |
Chỉ 1% CBCC không đạt chuẩn?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thừa nhận những tồn tại của ngành và khẳng định quyết tâm cao trong giữ gìn kỷ cương, kỷ luật và quy chế tổ chức các kỳ thi tuyển, xét tuyển. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nội vụ cũng cho rằng, nhận định 1/3 CBCC không hoàn thành nhiệm vụ chưa có đánh giá chính xác. Ước tính số CBCC không làm được việc chỉ chiếm 1% tổng số CBCC.
Để nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng CCVC, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng CCVC; nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách tổ chức thi tuyển công chức và tổ chức các kỳ thi tuyển mang tính quốc gia. Mục tiêu đặt ra đến năm 2014, 100% các bộ, ngành, địa phương triển khai việc xác định vị trí việc làm thuộc phạm vi quản lý. Đến năm 2015, 100% các cơ quan ở TƯ và 70% các cơ quan ở địa phương thực hiện ứng dụng công nghệ tin học vào thi tuyển.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, để nâng cao chất lượng CBCCVC, không chỉ dừng lại ở những chủ trương, biện pháp nêu trên. Bộ Nội vụ và Đoàn giám sát cần làm rõ, sau thời gian thực hiện Luật CBCC, Luật Viên chức, đội ngũ CBCCVC hiện nay như thế nào, số lượng, chất lượng có đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước không? Chủ tịch QH cũng cho rằng, quy trình bổ nhiệm cán bộ năm 2013 vẫn chẳng khác gì năm 1993, như vậy 20 năm vẫn giữ một cơ chế là không hợp lý.
Ở một góc nhìn khác, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu ý kiến, báo cáo giám sát cần chỉ rõ việc chấp hành các quy định về định biên, bổ nhiệm cán bộ. Hiện có bộ có tới 11 thứ trưởng, có tổng cục có đến hàng chục "ông" phó, trong khi quy định hiện hành chỉ có 4. Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ "gác cổng" cho Chính phủ trong vấn đề này như thế nào cần có đánh giá kỹ. Với quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay thì việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi bổ nhiệm người không đúng quy định, không đạt tiêu chuẩn là rất khó. Trong khi đó, có người được bổ nhiệm xong chỉ một năm đã nghỉ hưu; nhiều người thời gian làm việc còn lại không đủ nhiệm kỳ vẫn được bổ nhiệm. Theo ông Ksor Phước, tỷ lệ CBCCVC nữ, CBCCVC là người dân tộc thiểu số còn thấp. Đặc biệt, CBCCVC là người dân tộc thiểu số được đào tạo giữ vai trò quan trọng ở lĩnh vực tài chính, công thương ở các cơ quan TƯ rất hiếm. Cần làm rõ nguyên nhân tại sao và hướng đổi mới để tiếp tục hoàn thiện đồng bộ đội ngũ CBCCVC ngày càng nâng cao về năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu công tác trong thời kỳ mới.
Trước các yêu cầu nêu trên, người đứng đầu ngành nội vụ và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH cam kết sẽ khẩn trương bổ sung các điều tra, đánh giá về chất lượng CBCCVC và đề xuất biện pháp khắc phục các tồn tại của ngành, báo cáo kết quả ngay tại kỳ họp QH tới.
Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của QH, UBTVQH được ban hành từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII đến hết tháng 7-2013. Kết quả nổi bật là QH, UBTVQH đã thông qua 46 văn bản luật, pháp lệnh. Trong đó, đã có 35/46 văn bản luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, 11/46 văn bản chuẩn bị có hiệu lực. Việc ban hành văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh hiện rất chậm, mới đạt chưa đến 50% yêu cầu. Theo Ủy ban Pháp luật của QH, công tác tuyên truyền, phổ biến chưa đi vào chiều sâu, còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Việc bố trí nguồn nhân lực, kinh phí và các điều kiện bảo đảm còn chưa đầy đủ. Một số quy định của luật, pháp lệnh về tổ chức bộ máy, hoặc chế độ, chính sách còn chưa đi vào cuộc sống... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.