Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cơn lốc” giảm điểm trên thị trường chứng khoán

Đức Anh| 17/05/2014 07:38

(HNM) - Từ đầu tháng 5 đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có nhiều phiên giảm sâu. Ngưỡng 600 điểm giành được từ những phiên đầu tháng 4 tưởng sẽ được duy trì để thị trường có cơ hội bứt phá lên 700 điểm đã nằm ngoài tầm tay.

Trong phiên giao dịch ngày 8-5, lần đầu tiên sau mấy năm liền, thị trường có phiên đỏ sàn, trước sự ngỡ ngàng của nhiều giới đầu tư. Sau bao nhiêu nỗ lực "leo dốc" để chinh phục mốc 600 điểm, thị trường lại "tụt dốc", dừng lại ở ngưỡng 559,97 điểm (ngày 7-5). Nhưng, mốc này cũng không giữ được lâu, chỉ số VN-Index đã mất 32,88 điểm chỉ sau một phiên giao dịch, lùi xuống 527,09 điểm. Tuy nhiên, sự "lao dốc" của thị trường không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Nhiều nhà đầu tư tìm cách bán tháo cổ phiếu, bất chấp giá giảm xuống mức nào, khiến cả sàn ngập sắc đỏ. Rõ ràng là thông tin về sự xâm hại nghiêm trọng của Trung Quốc đối với vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã kéo hàng trăm nhà đầu tư ra khỏi sàn chứng khoán.



Sang phiên 13-5, thị trường tiếp tục mất điểm, mức giảm nhẹ, xuống 69,17 điểm với HNX-Index và 513,15 điểm với VN-Index. Tuy nhiên, trong phiên ngày 14-5, các chỉ số chứng khoán hồi phục mạnh, VN-Index tăng 15,62 điểm, lên 529,53 điểm, HNX-Index cũng tăng 2,48 điểm, đạt 71,87 điểm. Nhưng chỉ hồi phục một phiên, sang ngày 15-5, thị trường lại tiếp tục mất điểm trước áp lực bán ra của nhà đầu tư. Chỉ số VN-Index lùi xống 524,05 điểm, còn HNX-Index xuống 70,7 điểm. Giới chuyên gia cũng dự báo, các chỉ số chưa tăng ổn định, mà có thể còn giảm và thiết lập những đáy khác. Song, trong khi nhiều người tìm cách bán tháo cổ phiếu, cũng có không ít người lại tranh thủ mua vào, nên tính thanh khoản của thị trường liên tục đạt mức cao. Nếu như trong phiên giảm sâu nhất (ngày 8-5), cả hai sàn có hơn 250 triệu đơn vị được giao dịch, giá trị gần 4.000 tỷ đồng, thì đến phiên ngày 12-5, ngược với đà "lao dốc" của VN-Index, khối lượng giao dịch của hai sàn cũng đạt gần 160 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.100 tỷ đồng. Phiên ngày 13-5, khối lượng giao dịch tăng cao, đạt hơn 220 triệu đơn vị, giá trị gần 2.700 tỷ đồng, do nhà đầu tư ngoại "mua ròng".

Nhận định về TTCK thời gian qua, chuyên gia của Công ty Chứng khoán IVS cho rằng, những phiên giảm sâu vừa qua đã đưa những mã cổ phiếu tốt, tiềm năng đến vùng giá tương đối hấp dẫn trong dài hạn. Nhìn lại thời gian trước, chỉ số VN-Index đã có lúc tụt sâu về mốc 508 điểm nhưng đã sớm hồi phục trở lại. Nhiều cổ phiếu xuất hiện lực cầu bắt đáy khá mạnh và quyết liệt như SSI, FPT, DPM, VND… trong khi nhiều cổ phiếu khác lực bán đã yếu đi như: HPG, PPC, MSN, PET… cho thấy áp lực cũng đã giảm nhiệt. Cầu mua của khối ngoại tiếp tục rót vào nhóm cổ phiếu cơ bản sẽ là chốt chặn tốt cho thị trường ở những phiên tới, song, về ngắn hạn, rủi ro với thị trường chưa bị loại bỏ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu nhỏ, có tính đầu cơ cao. Mặc dù khuyến cáo nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trong giai đoạn này, nhưng với những người vẫn muốn tham gia vào thị trường nên mua vào những cổ phiếu tốt, tiềm năng, bởi cú giảm sâu vừa qua đã đưa những cổ phiếu này đến vùng giá tương đối hấp dẫn trong dài hạn. Sau nhiều phiên giảm, khả năng hai chỉ số đảo chiều có thể xảy ra, nhưng cũng không loại trừ đà giảm ngắn và trung hạn của các chỉ số chứng khoán, nên điểm mua an toàn vẫn chưa xuất hiện ở thời điểm này. Do đó, nếu các nhà đầu tư vẫn còn tỷ trọng cổ phiếu cao, nên hạn chế bán tháo và có thể cân nhắc mua bình quân để hạ giá vốn.

Mua hay bán, điều này còn tùy thuộc vào mỗi nhà đầu tư, vì không giống như nhiều giai đoạn trước, hầu hết nhà đầu tư giờ đây đã trang bị cho mình những kiến thức nhất định về TTCK. Hơn nữa, dự báo vẫn chỉ là dự báo, không thể có chuyên gia hay tổ chức nào có thể khẳng định đúng về xu hướng của TTCK trong những phiên tới. Bởi vậy, mỗi nhà đầu tư cần tính toán kỹ trước quyết định đầu tư để bảo đảm an toàn cho dòng vốn của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cơn lốc” giảm điểm trên thị trường chứng khoán

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.