(HNM) - Hôm nay (1-10), tròn 70 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1/10/1949 - 1/10/2019). Những thành tựu mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đạt được trong 70 năm qua, trong đó quan trọng nhất là tìm được con đường phát triển đầy sáng tạo phù hợp với tình hình đất nước, xây dựng chế độ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã đưa quốc gia này trở thành một cường quốc kinh tế thế giới.
Trong 7 thập niên phát triển, Trung Quốc đã có hơn 40 năm tiến hành công cuộc cải cách và mở cửa. Sự trỗi dậy của quốc gia đông dân nhất thế giới không chỉ là câu chuyện về sự hồi sinh trong kỷ nguyên hậu Thế chiến thứ hai, mà còn về thành công của thời kỳ quá độ, từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Khi bắt đầu thực hiện cải cách vào năm 1978, Trung Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của nước này năm 1978 chỉ là 156 USD. Cũng tại thời điểm đó, Trung Quốc có tới 81% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, 84% dân số sống dưới mức chuẩn nghèo quốc tế với 1,25 USD/ngày. Khi đó, Trung Quốc cũng là nền kinh tế hướng nội, xuất khẩu chỉ chiếm 4,1% GDP, nhập khẩu chiếm 5,6%. Vậy nhưng, trên nền tảng yếu ớt ấy, Trung Quốc đã giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, tập trung phát triển kinh tế nhiều thành phần, thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đưa cải cách và mở cửa đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Cụ thể, trong giai đoạn 1978-2017, GDP của Trung Quốc tăng bình quân 9,5%/năm, từ 367,9 tỷ nhân dân tệ (khoảng 53,3 tỷ USD) năm 1978 lên mức 82.700 tỷ nhân dân tệ (khoảng 11.986 tỷ USD) năm 2017. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng từ 20,6 tỷ USD lên hơn 4.000 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài hơn 2.000 tỷ USD, đầu tư ra nước ngoài 1.900 tỷ USD, đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đồng thời, là một trong những nước hàng đầu về công nghiệp chế tạo, thương mại hàng hóa, tiêu dùng, thu hút đầu tư và dự trữ ngoại hối. Đánh dấu 40 năm cải cách, mở cửa, năm 2018, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế với dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới (3.120 tỷ USD), GDP lớn thứ hai thế giới (11.000 tỷ USD).
Cùng sự chuyển mình về kinh tế, chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát triển đầy sáng tạo. Đặc biệt, những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình, trọng tâm và chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã có hàng loạt điều chỉnh lớn, tương ứng với sự thay đổi của môi trường quốc tế. Thông qua chính sách đối ngoại thực tế, quốc gia này đang từng bước thực hiện mục tiêu tới năm 2050 sẽ trở thành cường quốc có vai trò toàn cầu và tầm ảnh hưởng dẫn đầu thế giới.
Là hai nước láng giềng gần gũi, có nhiều điểm tương đồng về chế độ chính trị, văn hóa, xã hội, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đặt nền móng và được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản quý báu của hai dân tộc. Hiện nay, hai nước đều đang ở trong giai đoạn phát triển then chốt, đồng thời cùng đứng trước những khó khăn, thách thức do tình hình quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Song, trong các trao đổi cấp cao và các cấp giữa hai bên, lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đều nhiều lần khẳng định sự ưu tiên về tăng cường quan hệ song phương, nhấn mạnh sự ổn định, phát triển của nước này sẽ là nhân tố quan trọng cho sự ổn định và phát triển của nước kia; sẵn sàng đẩy mạnh hơn nữa giao lưu, hợp tác trên mọi lĩnh vực, góp phần duy trì, củng cố đà phát triển tích cực, lành mạnh của quan hệ hữu nghị Việt - Trung.
Trong số nhiều nước đi theo con đường tương tự, Trung Quốc đã trở thành biểu tượng cho công cuộc quá độ thành công. Việt Nam cũng xem đây là những kinh nghiệm quý giá trong hành trình xây dựng và phát triển đất nước. Như những người anh em cùng chung chí hướng, Việt Nam chân thành ủng hộ Trung Quốc không ngừng phát triển, lớn mạnh, tiếp tục giành được những thành tựu mới to lớn hơn trong tương lai, đồng thời có vị trí và vai trò quan trọng hơn cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.