(HNM) - Bằng phương pháp tuyển chọn từ cây trồng hạt, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu rau quả đã tuyển chọn và phát triển thành công giống cam, quýt không hạt ở phía Bắc mang lại chất lượng cao.
Chủ lực nhưng chất lượng chưa cao
Tuyển chọn giống không hạt từ các dòng đột biến hay cây trồng hạt trong tự nhiên được xem là một trong những phương pháp cơ bản trong nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống cây có múi. Ths Nguyễn Duy Hưng, Chủ nhiệm đề tài cho biết, cây ăn quả có múi (cam, chanh, quýt, bưởi) là loại cây ăn quả quan trọng của nhiều nước trên thế giới và được sản xuất với khối lượng lớn nhất trong các loại cây ăn quả, đạt 95,5 triệu tấn năm 2010. Trong đó cam là loài được sản xuất nhiều nhất (64 triệu tấn), tiếp theo là quýt (15,5 triệu tấn). Sản xuất quả có múi vẫn đang tiếp tục tăng thu nhập của người dân ở một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, các nước Đông Âu, các nước ASEAN...
Lai tạo giống cam ở Cao Phong. |
Ở Việt Nam, cây ăn quả có múi cũng được coi là thế mạnh chủ lực để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa và hiện có diện tích, sản lượng đứng đầu trong các loại quả. Tuy nhiên, chất lượng quả có múi ở nước ta chưa cao. Sức tiêu thụ ngày càng tăng song cung không đủ cầu nên nước ta vẫn phải nhập khẩu một lượng quả có múi rất lớn. Việc đẩy mạnh phát triển cây có múi bảo đảm cả về lượng và chất là nhu cầu tất yếu, đáp ứng nhu cầu trong nước tiến tới xuất khẩu.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, nước ta có điều kiện đất đai, khí hậu đa dạng, thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây có múi. Các địa phương trong cả nước đều trồng được cả cam, chanh, quýt, bưởi. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, các giống cam, quýt ở miền Bắc có phần phong phú, chất lượng hơn ở miền Nam. Các nhà nghiên cứu Viện Rau quả cũng xác định tập trung nghiên cứu, phát triển cây có múi ở miền Bắc với loại quả cam và quýt bởi có thế mạnh về điều kiện khí hậu để tạo được các sản phẩm có chất lượng, phục vụ cho cả ăn tươi và chế biến.
Dễ thực hiện đại trà
Ths Nguyễn Duy Hưng chia sẻ, để chọn tạo ra được các giống cây ăn quả có múi không hạt có rất nhiều phương pháp như phương pháp lai tạo bằng đột biến hóa học, lai tạo bằng công nghệ sinh học… Tuy nhiên, những phương pháp tiên tiến và hiện đại đòi hỏi phải có thiết bị và trình độ KHCN cao, thời gian thực hiện kéo dài, từ 10 đến 15 năm. Để rút ngắn quãng đường, đề tài đã chọn hướng nhập nội khảo nghiệm các giống tốt từ nước ngoài và điều tra tuyển chọn các biến dị tốt trong tự nhiên, đặc biệt là các biến dị tạo quả không hạt. Theo Ths Hưng, đây là con đường ngắn nhất, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, nhất là trong bối cảnh cần sớm phải có các giống tốt phục vụ sản xuất.
Quả nhiều hạt luôn một là nhược điểm lớn, ảnh hưởng đến chất lượng quả có múi ở nước ta. Do vậy, việc tuyển chọn hoặc tạo các giống năng suất, chất lượng cao, không hạt hoặc ít hạt luôn là mục tiêu xuyên suốt của công tác chọn tạo giống cây có múi nói chung và chọn tạo giống cam, quýt nói riêng. Tuy nhiên, đây thực sự là công việc "mò kim đáy bể" với quá trình mày mò nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đến thực tế. Đến mùa thụ phấn, nhóm nghiên cứu chia nhau đến các vùng trồng cam ở Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hà Giang, Hòa Bình và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng để lấy mẫu phân tích. Khi phát hiện được những cây biến dị không hạt hoặc ít hạt, các nhà khoa học lại tìm hiểu nguyên nhân tạo ra đặc tính đó qua các thí nghiệm như nuôi cấy hạt phấn, quan sát bầu noãn, thụ phấn... trong thời điểm cây ra hoa đậu quả.
Sau hai năm triển khai, đề tài đã phát triển được 12ha cam, quýt tại Thanh Hóa, Hòa Bình và Hà Giang. Các nhà khoa học đã điều tra, tuyển chọn được 4 dòng cam, 4 dòng quýt ít hạt (0-6 hạt/quả) tại 3 vùng sinh thái phía Bắc và sơ bộ xác định được nguyên nhân không hạt của các dòng trên. Hiện tại các dòng cam, quýt trên đang tiếp tục được theo dõi về khả năng sinh trưởng, năng suất, chất lượng để khuyến cáo phát triển, nhân rộng trong sản xuất. Các dòng cam, quýt được tuyển chọn trong tự nhiên của đề tài là những giống địa phương, có tính ổn định cao, do vậy xác định chính xác nguyên nhân không hạt thì có thể được phổ biến, sản xuất đại trà mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các nhà khoa học cho rằng, việc tuyển chọn và phát triển các giống cam, quýt không hạt không chỉ có ý nghĩa khoa học trong chọn tạo giống mà còn có ý nghĩa thực tiễn lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.