Theo dõi Báo Hànộimới trên

Con đường chông gai

Thùy Dương| 23/08/2010 06:45

(HNM) - Kết quả một cuộc thăm dò dư luận tại Mỹ vừa được công bố cuối tuần qua cho thấy Tổng thống Barack Obama đang đi trên con đường không ít chông gai khi uy tín đang giảm dần theo thời gian.

Cuộc thăm dò dư luận do hãng tin Mỹ AP và tập đoàn nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới GFK phối hợp thực hiện từ ngày 11 đến 16-8 cho thấy chỉ có 41% số người được hỏi ủng hộ cách thức điều hành nền kinh tế của Tổng thống B.Obama, giảm 3% so với tháng 4 vừa qua. Ngoài ra, hơn 61% cho rằng nền kinh tế Mỹ đang "dậm chân tại chỗ", thậm chí đang xuống dốc. Có tới 75% số người được hỏi đã vỡ mộng về một "bước đột phá" trong nền kinh tế Mỹ sau 18 tháng cầm quyền của Tổng thống B.Obama...

Tổng thống Mỹ Obama

Niềm tin về triển vọng nền kinh tế Mỹ ngày càng sẫm màu khi tình trạng thất nghiệp hiện vẫn ở mức 10%. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ngày 19-8 cho biết, thâm hụt ngân sách liên bang sẽ lên tới 1,34 nghìn tỉ USD trong tài khóa 2010 (kết thúc vào ngày 30-9), tương đương 9,1% tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Mỹ và là mức thâm hụt lớn thứ hai của Mỹ trong vòng 65 năm qua. Như phụ họa cho kết quả cuộc thăm dò, tuần qua phố Wall cũng chìm trong không khí ảm đạm khi chứng khoán Mỹ đồng loạt trượt dốc. Cuộc bán tháo cổ phiếu đã lan rộng khắp các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Tại New York, cứ 1 cổ phiếu tăng điểm thì có tới 5 cổ phiếu giảm điểm... Uy tín của Tổng thống B.Obama đang trở thành "con tin" của nền kinh tế số 1 thế giới.

18 tháng trôi qua, vị "Thuyền trưởng" da màu đầu tiên của xứ Cờ hoa đã đạt được những thành tựu đáng kể về đối nội với hai dự luật quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ là cải cách y tế và cải tổ ngành tài chính phố Wall được thông qua. Đây là sự kiện đối nội mang tính đột phá mà chưa vị tổng thống nào trước đó làm được trong chưa đầy nửa nhiệm kì.

Về đối ngoại, chiến lược "quyền lực mềm" được Tổng thống B.Obama theo đuổi đã đưa hình ảnh một nước Mỹ thân thiện lại gần hơn với thế giới. Trong đó, phải kể tới sự nồng ấm hơn trong quan hệ với Nga, Cuba; đồng thời cải thiện và thúc đẩy quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương với châu Âu và xuyên Thái Bình Dương với Nhật Bản, Hàn Quốc... Thêm vào đó, ngày 19-8 vừa qua, lữ đoàn tác chiến cuối cùng của Mỹ tại Iraq đã rút khỏi đất nước này sau hơn 7 năm mang lại nỗi đau cho không ít gia đình Mỹ có con em can dự vào cuộc chiến này...

Tuy nhiên, tất cả đã không đủ để xua tan đám mây đen từ cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm xói mòn vị thế số 1 thế giới của nước Mỹ. Khẩu hiệu tranh cử "Thay đổi, chúng ta có thể" đã giúp ông B.Obama giành chiến thắng năm 2008 giờ đây đang trở thành "con dao 2 lưỡi", khơi dậy một làn sóng bất bình không thể xem thường trong dân chúng.

Kỳ vọng lớn của một bộ phận người dân Mỹ đã không được đền đáp khi nạn thất nghiệp và thâm hụt ngân sách vẫn không ngừng tăng. Thậm chí cả hai ẩn số này sẽ càng mờ mịt hơn trong thời gian tới khi gần 100.000 quân nhân từ chiến trường Iraq trở về lại lâm vào khốn đốn khi đi tìm chỗ làm việc nơi quê nhà. Những nhân tố trên đã dẫn tới sự ủng hộ của người dân với người chèo lái con thuyền xứ Cờ hoa giảm mạnh. Cho dù Tổng thống B.Obama không phải là người khởi xướng hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq nhưng nước Mỹ dưới thời của ông đang phải trả giá đắt cho hậu quả từ hai cuộc chiến này.

Chỉ còn hơn 10 tuần nữa (tháng 11), cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ của nước Mỹ sẽ diễn ra, uy tín của vị Tổng thống thứ 44 đi xuống đang là một thử thách lớn với cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Con đường vốn đã chông gai nay càng thêm thử thách như đứng trước một bức tường khó vượt. Nhưng, người đứng đầu Nhà Trắng đã không thể tránh bức tường đó và chỉ có thể đến đích với khoảng thời gian ngắn nhất bằng cách đi xuyên qua nó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Con đường chông gai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.