Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn đó nỗi lo mất an toàn

Nguyễn Đức| 09/11/2010 07:27

(HNM)- Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT), cả nước hiện có 17.233km đường thủy đã được đưa vào quản lý, khai thác, trong đó, đường thủy nội địa quốc gia là 6.714km, còn lại do các địa phương quản lý.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT), cả nước hiện có 17.233km đường thủy đã được đưa vào quản lý, khai thác, trong đó, đường thủy nội địa quốc gia là 6.714km, còn lại do các địa phương quản lý. Luật Giao thông đường thủy ban hành đã giúp hệ thống giao thông này được quan tâm nhiều hơn, chất lượng cơ sở hạ tầng nhờ đó được nâng lên... Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Phạm Minh Nghĩa cho biết, dù kinh phí còn hạn hẹp nhưng sau 5 năm thực hiện Luật Giao thông đường thủy, công tác xây dựng quy hoạch, nạo vét, cắm biển hướng dẫn luồng lạch đã dần hoàn thiện, nâng cao an toàn chạy tàu. Phương tiện phát triển mạnh, đa dạng về kết cấu, kiểu dáng, phong phú về chủng loại, công dụng.


Lực lượng chức năng kiểm tra tàu thuyền hoạt động trên sông Hồng. Ảnh: Bùi Tường

Tuy nhiên, ATGT đường thủy vẫn đang ở mức đáng báo động khi tỷ lệ phương tiện giao thông thủy "ba không" (không đăng ký, không đăng kiểm và không có chứng chỉ điều khiển) vẫn ở mức cao. Số liệu từ cuộc tổng điều tra phương tiện đường thủy vào cuối năm 2007 cho thấy, cả nước có hơn 800 nghìn phương tiện với tải trọng 5,37 triệu tấn, hơn 748 nghìn ghế hành khách. Trong đó có hơn 500 nghìn phương tiện nằm trong diện phải đăng ký nhưng chỉ có hơn 9% thực hiện. Về người điều khiển phương tiện, cả nước có hơn 108 nghìn người thuộc diện phải có bằng thuyền trưởng, hơn 444 nghìn người phải có chứng chỉ điều khiển phương tiện (bằng lái) và 491 nghìn người thuộc diện phải có giấy chứng nhận đã học luật. Thực tế số người có bằng thuyền trưởng chỉ là hơn 22 nghìn người, 15.384 người có bằng lái và gần 14 nghìn người có chứng nhận đã học luật. Đến nay dù số người có bằng, chứng chỉ chuyên môn đã tăng gần 3 lần so với năm 2007, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình thừa nhận, tình hình trật tự ATGT đường thủy còn phức tạp. Số phương tiện chưa đăng kiểm vẫn hoạt động còn nhiều, đặc biệt là phương tiện nhỏ. Số phương tiện quay lại kiểm tra định kỳ thấp. Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường thủy Dương Ngọc Tiến cho rằng, dù đã tăng cường kiểm tra, xử lý, nhưng thời gian tới cần tiếp tục siết chặt quản lý để giảm tỷ lệ "ba không".

Nhiều bến khách ngang sông không phép

Công tác quản lý hoạt động tại các bến khách cũng còn nhiều hạn chế. Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, nếu như các cảng, bến thủy nội địa hoạt động tương đối ổn định, bảo đảm trật tự, an toàn thì tại các bến khách ngang sông lại khá phức tạp. Hoạt động bến khách ngang sông có tính đặc thù và không thể thiếu ở nhiều nơi. Hiện cả nước có khoảng 3 nghìn bến với hơn 5 nghìn thuyền viên, người điều khiển phương tiện. Loại hình vận tải này đã giúp vận chuyển hàng trăm triệu lượt hành khách, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH giữa các vùng và có chiều hướng phát triển sôi động. Nhưng số bến hoạt động không phép hiện còn cao, kèm theo đó là tỷ lệ "ba không", đặc biệt là tại khu vực Bắc Trung bộ. Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy của chủ bến, chủ phương tiện, người lái và cả hành khách nhìn chung còn kém, thậm chí còn có hiện tượng coi thường quy định về bảo đảm trật tự ATGT. Đó là nguyên nhân xảy ra nhiều vụ tai nạn đò ngang thương tâm, điển hình là vụ đắm đò làm 42 người thiệt mạng vào sáng 30 Tết Kỷ Sửu 2009 tại Quảng Trạch, Quảng Bình; hay vụ lật đò tại Chôm Lôm (Con Cuông, Nghệ An) năm 2006 làm 19 học sinh chết, mất tích…

Để giải quyết dứt điểm những tồn tại nói trên, tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa, đại diện các cơ quan chức năng nhấn mạnh, ngoài việc giáo dục, phổ biến quy định, mỗi địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm. Việc kiểm tra, xử lý phải được thực hiện thường xuyên, liên tục thay vì chỉ thực hiện trong những đợt cao điểm hay trong tháng ATGT. Rõ ràng, để nâng cao an toàn giao thông thủy phải bắt đầu từ việc thay đổi quan điểm, nhận thức ngay từ các cơ quan chức năng để giải quyết tận gốc vấn đề. Tuy nhiên, dường như đây vẫn là hạn chế không chỉ của chính quyền địa phương mà ngay các cơ quan quản lý "ngành dọc". Chẳng nói đâu xa, ngay trong hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa, lãnh đạo cao nhất tham dự là một thứ trưởng, nhưng vị này cũng chỉ có vài lời khai mạc rồi giao cho các cơ quan dưới quyền điều hành. Xem ra, nỗi lo về an toàn giao thông đường thủy còn chưa được quan tâm nhiều như an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Và đó mới là nỗi lo lớn nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn đó nỗi lo mất an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.