(HNM) - Trong 8 nội dung kinh tế, xã hội không đạt so với chỉ tiêu HĐND TP Hà Nội giao trong năm 2012, dân số (DS) có hai nội dung đó là tỷ suất sinh thô và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên vượt mức.
Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ của thành phố vừa có đợt giám sát thực tế tại ba "điểm nóng" về DS là huyện Ba Vì, Đông Anh, Phúc Thọ để làm rõ hơn nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng DS cao, từ đó đưa ra các giải pháp điều chỉnh cho phù hợp.
Những con số báo động
Trước tình trạng gia tăng DS nhanh, mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, năm 2012, TP Hà Nội đặt ra mục tiêu giảm 2‰ tỷ suất sinh, giảm 0,5% số người sinh con thứ ba trở lên và giảm tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh còn 116 trẻ trai/100 trẻ gái so với năm 2011. Nhưng con số thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ cho thấy, tỷ suất sinh trong năm 2012 của thành phố ước đạt 18‰, tăng 0,86‰ so với năm 2011 và vượt 1,06‰ so với chỉ tiêu thành phố giao. Mục tiêu giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên không những không đạt mà còn tăng 1,04% so với kế hoạch, vượt 1,54% so với kế hoạch… Tại huyện Ba Vì, tỷ suất sinh thô dự kiến tăng 0,9‰, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tăng 4% so với kế hoạch, mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức 120 trẻ trai/100 trẻ gái; các tỷ số này ở huyện Phúc Thọ cũng không đạt kế hoạch với mức vượt tỷ suất sinh là 5,8‰, vượt tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên là 2,4%... Mặc dù vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền, vận động ráo riết, song mục tiêu giảm sinh ở Đông Anh vẫn chưa thể thực hiện được khi số trẻ sinh ra tăng 1,49‰, số trẻ là con thứ ba trở lên tăng 9,74% (tương đương với 715 trẻ) so với năm trước. Cá biệt, tỷ số giới tính khi sinh ở xã Võng La mất cân bằng tới mức 160 trẻ trai/100 trẻ gái, ở xã Uy Nỗ 145 trẻ trai/100 trẻ gái…
Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ ngày một tăng. Nếu như năm 2006, số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS ở huyện Phúc Thọ là 13 người thì trong 11 tháng của năm 2012, con số này là 21 người. Ở huyện Đông Anh, 10 tháng đầu năm đã ghi nhận 11 trường hợp cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba (6 cán bộ, 5 đảng viên). Theo con số thống kê chưa đầy đủ, huyện Ba Vì có 8 trường hợp cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba trở lên, trong đó có hai cán bộ giữ vị trí phó phòng thuộc UBND huyện...
Tăng DS nhanh, sinh con thứ ba trở lên nhiều, mất cân bằng giới tính nghiêm trọng đang hằng ngày, hằng giờ ảnh hưởng tới chất lượng DS và có tác động không nhỏ tới sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đơn cử như ở huyện Ba Vì, số trẻ được sàng lọc trước sinh không đáng kể, số trẻ được sàng lọc sơ sinh càng ít và hiện nay Ba Vì mới có 10/31 xã lấy máu sàng lọc sơ sinh ở trạm y tế xã. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở huyện Phúc Thọ còn không ít vấn đề khi còn tới 43% phụ nữ nhiễm khuẩn đường sinh sản, số bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh mới đạt 23,3%, số trẻ sinh ra bị khuyết tật vẫn còn…
Thách thức với công tác truyền thông
Thực tế kiểm tra, giám sát tại một số địa phương nói trên cho thấy, các chỉ tiêu về DS không đạt kế hoạch do rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng đáng nói hơn cả là do chưa có chế tài xử phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với những người vi phạm chính sách DS-KHHGĐ và tâm lý muốn sinh thêm con của nhóm người có kinh tế khá giả.
Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng (Ba Vì) cho biết: Vạn Thắng là "điểm đen" DS của huyện Ba Vì với số người sinh con thứ ba trở lên tăng 24% năm 2011 và 18,5% năm 2012 là vì xã có khoảng 2.000 người trong độ tuổi sinh đẻ đi làm ăn xa nên truyền thông không thể tới được nhóm đối tượng này. Mặt khác, nhóm người đi làm ăn xa, có thu nhập khá, họ mong muốn có nhiều con cho "vui cửa, vui nhà" hoặc đề phòng rủi ro, bất chắc nên sinh thêm con thứ ba, thứ tư. "70% số người sinh con thứ ba trở lên ở Vạn Thắng thuộc nhóm có kinh tế khá giả chứ không phải là những gia đình có hai con gái, mong muốn có con trai để nối dõi tông đường như trước đây nữa. Tuyên truyền thế nào để nhóm đối tượng này không sinh thêm con thực sự là thách thức của công tác truyền thông DS hiện nay" - ông Lê Văn Ninh khẳng định.
Bên cạnh đó, sự nới lỏng về mức phạt đối với hành vi vi phạm chính sách DS trong các quy định của Nhà nước khiến số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS tăng vọt. Nếu như trước đây, cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba bị cảnh cáo hoặc thôi việc thì hiện nay chỉ bị khiển trách. Ông Doãn Trung Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, từ năm 2011 về trước, 100% cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba trở lên ở Phúc Thọ bị khai trừ khỏi Đảng, cảnh cáo hoặc cách chức, nhưng năm 2012, 21 cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS ở Phúc Thọ chỉ bị khiển trách, không có người nào bị cảnh cáo, khai trừ khỏi Đảng hoặc hạ bậc lương… Trước đây, thôn làng, cơ quan đơn vị có người sinh con thứ ba bị tính điểm liệt, không bình xét các danh hiệu văn hóa thì nay theo quy chế công nhận các danh hiệu văn hóa của UBND TP Hà Nội ban hành năm 2012 lại cho phép tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên không vượt quá 1-2%. "Sự nới lỏng của các quy định có tính chất quy phạm pháp luật khiến người dân ngầm hiểu Nhà nước cho phép sinh con thứ ba trở lên. Quy định bằng giấy trắng mực đen như thế thì những người làm công tác truyền thông DS có nói gì đi nữa, người dân cũng không nghe" - ông Hoàng Kế Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh phản ánh.
Từ thực trạng này, các địa phương đề xuất, công tác truyền thông DS cần được thành phố quan tâm hàng đầu cả về kinh phí và con người, song truyền thông phải lồng thêm các thông tin mới nhằm thay đổi nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, mức xử lý đối với cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS cần phải xem xét lại vì mức khiển trách như hiện nay không đủ sức răn đe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.