(HNM) - 10 ngày qua kể từ thời khắc lịch sử (11-2), khi người dân xứ Kim tự tháp hạ bệ một trong những nhà lãnh đạo Arab lâu đời nhất, cuộc Cách mạng Hoa sen - đặt theo loài hoa biểu tượng của Ai Cập cổ đã lan nhanh ngoài sức tưởng tượng.
Bầu không khí hầm hập nóng do biểu tình tại hàng loạt quốc gia từ Bắc Phi tới Trung Đông đang "Ai Cập hóa" thế giới Arab là một diễn biến chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại.
Cuộc nổi dậy của dân chúng tại đất nước của các Pharaoh thật sự là một kiểm chứng sức mạnh của số đông trước hệ lụy khôn lường từ cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa thoát đáy. Không giống những cuộc cách mạng sắc màu từng khuấy động nhiều quốc gia Đông Âu và Trung Á, cơn địa chấn đang làm rung chuyển thế giới Arab, làm đảo lộn các giá trị tại miền đất của đức tin và tôn giáo truyền thống.
Với những biến cố trong tuần qua và ít ngày trước đó, bản đồ quyền lực ở Bắc Phi và Trung Đông đang chuyển dịch nhanh chóng. Thay vì tiếp tục theo đuổi một xã hội tương đối khép kín trên nền tảng tôn giáo và lòng trung thành cá nhân, nhiều nhà lãnh đạo Arab, đã chấp nhận từ bỏ quyền lực như một di sản cha truyền con nối. Cuộc hoán đổi đang diễn ra, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, đã kịp phác họa một chân dung chính trị mới của thế giới Arab trên một phạm vi rộng lớn - bằng biên giới của các quốc gia mà hôm nay chưa rõ giới hạn. Sự kiện mở rộng đối thoại chính trị đang diễn ra tại Bahrain, hứa hẹn cải cách ở Jordani, Algeria, Syria… là những bước đi mà người dân chưa từng biết đến trước đây. Có vẻ đúng khi cho rằng, một không gian Arab cởi mở hơn đang hình thành. Cuộc ra đi của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak vẫn là một câu hỏi lớn trong khu vực. Tuy nhiên một phần của câu hỏi đó đã được trả lời. Ấy là hẳn không ai muốn theo vết xe đổ của chính trị gia này khi xây dựng một thể chế quyền lực cực đoan để rồi trở thành "nạn nhân" của hệ thống khóa chặt đó. Bài học thất bại của một nhà lãnh đạo dù đầy quyền uy ở đây là đã bỏ qua những đổi mới cấp thiết hướng về dân chúng; đồng thời thích nghi được với thách thức của thời đại toàn cầu hóa.
Vì thế, cuộc thay đổi trong thế giới Arab hiện nay không phải là sự xung khắc về hệ tư tưởng mà phải được nhìn nhận là cuộc khủng hoảng chính trị như hệ lụy của khủng hoảng kinh tế vừa đi qua kéo theo khủng hoảng xã hội như một tất yếu. Chia sẻ đặc điểm chung là khan hiếm các nguồn tài nguyên thiết yếu như nước và đất trồng trọt, các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đang là những nhà nhập khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Cấu trúc kinh tế của cả khu vực này phụ thuộc thái quá vào dầu mỏ, du lịch, các hoạt động gia công đã khiến ảnh hưởng của cơn bão tài chính toàn cầu như một yếu tố "ngoại nhập" - tại đây sâu sắc hơn nhiều so với châu Á và Nam Mỹ. Nói cách khác, đây là yếu huyệt của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bị thế giới lãng quên trong thời gian qua. Điều đó đã đẩy các nền kinh tế Arab chìm sâu hơn vào thế mất cân bằng và tăng trưởng không đủ mạnh để tạo công ăn việc làm cho người dân. Thêm vào đó, tình trạng tham nhũng tràn lan đã thổi bùng cơn thịnh nộ của dân chúng. Đây sẽ là thử thách lớn trong những ngày tới cho các nhà lãnh đạo khu vực. Rối loạn xã hội gây bất ổn chính trị đã gây hậu quả nhãn tiền cho thế giới Arab. Không chỉ như Ai Cập cứ 3 ngày mất đi 1 tỷ USD khi làn sóng bất bình lên cao, sự đình trệ trong nhiều ngành nghề sẽ khiến các chính phủ Arab phải đối mặt với hiểm nguy như hạn chế về tín dụng từ các tổ chức tài chính quốc tế, hoạt động của doanh nghiệp bị đình đốn và nguồn vốn ngân hàng chậm giải ngân... và con số thiệt hại sẽ tăng gấp nhiều lần trong những ngày tới. Khó khăn kinh tế theo quy luật sẽ dội ngược trở lại khiến cuộc vượt thoát khủng hoảng của thế giới Arab được dự báo sẽ thật khó khăn.
Sau nhiều thập niên được xem như những thành lũy, cơn địa chấn Arab đang làm đảo lộn tất cả cho thấy, sự ổn định thực sự của mỗi quốc gia chưa bao giờ vững trên nền của những chính sách không thực sự do dân và vì dân. Và chỉ có sự tin tưởng và ủng hộ chính quyền nơi người dân mới là bảo đảm vững chắc cho bất kỳ một Chính phủ nào trong bối cảnh thế giới hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.