Theo dõi Báo Hànộimới trên

Con của núi rừng

Bằng Giang| 11/03/2010 07:18

(HNM) - Lúc chia tay giữa dốc Đông Dẽ… tôi chợt thấy khóe mắt Chảo Sử Mẩy rơm rớm. Đôi tay khô gầy, đen đúa giơ lên vẫy. Cái vẫy tay mỏng mảnh tựa chiếc lá bay giữa mênh mông sơn cước. Giây phút ấy, tôi nhìn hút mãi vào nụ cười méo mó của người đàn bà Dao mới tròn tuổi nửa trăm mà ngỡ như một bà lão bảy mươi, bỗng thấy lòng mình thắt lại...

Nhưng rồi cái khoát tay mạnh mẽ kèm giọng nói đầy lạc quan của ông Lý Láo Lở, Trưởng thôn Tùng Chỉn, rằng "điện đang được kéo đến thôn; dự án xây dựng kênh mương cũng đã có và đặc biệt, lúc nào chúng tôi cũng có cán bộ biên phòng bên cạnh mình để động viên chia sẻ và giúp đỡ…", đã kéo tôi về thực tại: Hai năm sau cơn lũ quét lịch sử năm 2008, cuộc sống mới đang bắt đầu. Và trong cuộc hồi sinh của làng Tùng Chỉn nói riêng và cả xã Trịnh Tường, huyện Bát Sát (Lào Cai) mang dấu ấn rõ rệt mà những người lính áo xanh ở Đồn Biên phòng Trịnh Tường đem lại.

Chuyện của hai người đàn ông…

Nếu không biết trước và nếu chỉ nhìn cách ăn vận, chắc ai cũng nghĩ mình đang trò chuyện với một sỹ quan quân đội nghỉ hưu, chứ không phải là một trưởng thôn người dân tộc Dao. Chỉ khi ngắm kỹ vóc dáng chắc nịch, vầng trán vuốt cao, mái tóc thưa và bộ râu quai nón vòng quanh cằm, ôm lấy khuôn mặt vuông vức, mới thấy Trưởng thôn Lý Láo Lở đúng dáng là một thủ lĩnh của miền sơn cước.

Bố và con xem văn nghệ tại Đồn Biên phòng A Múc Sung. Ảnh: Hương Phúc

- Ôi dà, Tùng Chỉn còn vất vả lắm! Trước đã khó vì đất canh tác ít, cơn bão số 4 năm trước lại lấp mất 14ha rồi, hai năm vừa qua cũng chỉ khôi phục được vài ba hécta thôi. Nhưng rồi cuộc sống cũng từng bước ổn định thôi mà!

Ông nói kèm theo cái lắc đầu, nhưng đôi tay và nụ cười thân thiện thì vồn vã đón khách vào nhà.

- Đi, đi thăm 14 hộ ở "xóm Biên Phòng" nhé! Ây dà, cán bộ biên phòng giúp nhiều lắm, nào dựng nhà dựng cửa, trích lương thực dự trữ cho dân; rồi ngày lễ tết trong năm như 20-11 cô trò được tặng hoa, 1-6 trẻ nhỏ có quà; Tết đến, bộ đội tổ chức cho dân đón giao thừa. Cán bộ biên phòng giúp đỡ Tùng Chỉn nhiều lắm.

Trưởng thôn Lý Láo Lở kéo tay Trung úy Bàn Văn Dương và Trung úy Bùi Văn Ninh nói nhỏ "nhờ đưa đoàn khách đến thăm các hộ dân giúp nhé". Rồi ông giải thích rằng từ khi Đồn Biên phòng dựng lại nhà cho 19 hộ dân thuộc thôn Tùng Chỉn 1 (bị nước cuốn nhà cửa, vườn tược, của cải trong trận mưa lũ cuối năm 2008), thì cái tên gọi "xóm mới Biên Phòng" đã trở nên quen thuộc và đó như một sự biết ơn cùng niềm tự hào riêng mỗi lần ông được trò chuyện với khách.

19 hộ ở xóm mới đã ngụ cư ổn định. Màu xanh của cây trái, của rau màu đã phủ trên những mảnh vườn. Trung úy Bàn Văn Dương "phiên dịch" câu nói của chị Chảo Sử Mẩy cho chúng tôi nghe "Có nhà để ở rồi, nhưng chúng mình còn thiếu nhiều thứ lắm...". Cái thiếu mà chị Mẩy và nhiều người dân ở đây thổ lộ cũng là những thứ mà ông Trưởng thôn Lý Láo Lở và những người lính biên phòng trăn trở, ấy là thiếu nước sạch, thiếu điện sinh hoạt và vẫn còn 10 hộ không có đất canh tác... Từng bước một, những cái khó này rồi sẽ qua đi, khi mà chính chúng tôi đã được mục sở thị những công nhân ngành điện hò nhau kéo cột điện, dây điện qua đỉnh dốc Đông Dẽ kia; để rồi chỉ nay mai thôi, ánh điện sẽ tỏa sáng nơi sơn cước xa xôi này...

Trung tá, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trịnh Tường Nguyễn Phùng Giang là một người con của Thủ đô Hà Nội. 5 năm công tác ở xã biên giới Trịnh Tường khiến nét phong trần, rắn rỏi đầy bản lĩnh của một đồn trưởng được quyện hòa trong cái hào hoa của trai Hà thành hiện rõ trên gương mặt điển trai, thông minh và vóc dáng cao, nhanh nhẹn đầy thuyết phục. Nguyễn Phùng Giang cởi mở:

- Trịnh Tường là một trong 30 xã của huyện Bát Sát (Lào Cai) có gần 10km đường biên giới. Xã có 21 thôn bản, 1.080 hộ với 5.400 khẩu. Thường xuyên chịu hậu quả thiên tai gây ra nên tỷ lệ hộ nghèo của xã khá cao, lại được xem là một trong những địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự xã hội. Nếu tính địa bàn do Đồn Biên phòng quản lý thì có tới 7 tụ điểm phức tạp. Bởi vậy, không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ giữ gìn vùng biên ải của Tổ quốc, cán bộ, chiến sỹ còn tham gia vào tất cả các công việc của địa phương như giúp dân xóa đói giảm nghèo, dạy chữ cho con em các dân tộc thiểu số, tuyên truyền pháp luật, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội...

Qua câu chuyện của Đồn trưởng Nguyễn Phùng Giang, được biết cụ thể về những công việc mà những người lính mang quân hàm xanh đã làm. Năm 2009, Đội phòng chống tội phạm ma túy của Đồn Trịnh Tường đã phối hợp với các lực lượng chức năng phá thành công chuyên án ma túy, bắt nhiều đối tượng phạm pháp hình sự; đưa số tụ điểm phức tạp từ con số 7 xuống còn 1. Các anh còn vận động được nhiều đối tượng tự nguyện đi cai nghiện tập trung...

"Nó là của tao chứ!"

Một ngày cuối năm 2007, Bàn Văn Dương, Trung úy bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai sau khi nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Trịnh Tường, đi "làm quen" với địa bàn mới. Từ đơn vị đến thôn Lao Chải - thôn xa nhất cách trung tâm xã tới gần 30 cây số. Xe máy chỉ chạy được vài cây số đường, Dương phải gửi nhờ nhà dân rồi cuốc bộ. Đang leo dốc thì bất ngờ một ông lão đứng chắn giữa đường, "soi" từ chân đến đầu rồi dừng lại ở cái nhìn thẳng tưng vào mắt, khiến Bàn Văn Dương vô cùng ngạc nhiên:

- "Con về bản lâu chưa?".

- "Con mới về sáng nay, bây giờ đến thôn Lao Chải".

- "Ờ, ờ, cứ đi đi rồi trưa về nhà ăn cơm với bố. Hỏi nhà Thào A Ly nhé!".

Ông nói một cách dứt khoát, tự nhiên, vẻ mặt từ chỗ "căng" như dây đàn bỗng trở nên vui vẻ làm những nếp nhăn trên gương mặt ông dãn ra. Dương tự dưng cảm thấy ấm áp, chộn rộn trong lòng.

Trung úy Bàn Văn Dương với các phóng viên.  

Không ngờ đường đến Lao Chải xa thế và khó đi thế. Mỗi hộ ở cách nhau mấy quả đồi. Gặp gỡ, làm quen được vài hộ thì đã quá trưa, Dương quên mệt, quên đói và … quên cả lời hẹn tưởng là xã giao dọc đường với ông già lạ hoắc nọ. Chờ mãi không thấy Dương về, ông Thào A Ly đến thẳng nhà ông Lý A Tỏa ở thôn Lao Chải (cách nhà hơn 5km) để tìm Dương. Thấy nhà ông Tỏa thịt gà tiếp khách, ông Ly nói:

- Nó là con tao! Nó là của tao thì nó phải về nhà tao ăn cơm chứ. Còn nhà mày, thịt gà rồi thì để đấy, có ăn thì xuống tao.

Lời nói của ông già như mệnh lệnh khiến tất cả kéo đến nhà ông Ly. Thì ra, ông Thào A Ly, người Mông, nguyên là Trưởng bản Sín Chải, cái chức ấy bây giờ giao cho người con trai là Thào A Lềnh. Cũng như ông Lý A Tỏa, người Hà Nhì, nguyên Trưởng bản Lao Chải, nay chuyển chức cho người con trai là Lý Giá Se giữ. Các ông đều là những già làng có uy tín, như cây cổ thụ ở rừng. Bữa cơm đầu tiên ấy chỉ có đĩa thịt gà, bát canh rau rừng, măng rừng, nhưng anh bộ đội biên phòng Bàn Văn Dương (cũng là người dân tộc Dao, quê huyện Văn Bàn, Lào Cai) thấy ấm cúng, thân thương và đặc biệt, anh biết mình là người may mắn khi được dân bản tin tưởng, coi là con trong nhà. Gần ba năm nay, nhờ sự tin yêu đó mà Dương và các chiến sỹ ở Đồn Biên phòng Trịnh Tường đã gắn bó, bám dân, bám địa bàn, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ giữ gìn sự bình yên cho rẻo biên cương của Tổ quốc.

Phụ trách hai xã Trịnh Tường và Cốc Mỳ, gồm gần bốn mươi thôn bản, Đồn Biên phòng Trịnh Tường đã xây dựng nhiều nhà địa bàn, cắm ở các bản xa để cán bộ, chiến sỹ đi công tác có nơi chốn nghỉ lại. Bàn Văn Dương là một trong những cán bộ biên phòng "cắm" nhiều bản nhất và là người khỏe đi nhất. Không việc gì mà anh không làm, từ tỉa ngô, trồng lúa giúp dân, đến làm đường giao thông, đỡ đầu cho trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Dương đã vận động gần hai mươi trẻ bỏ học trở lại lớp; vận động 5 thanh niên đi cai nghiện ma túy; phụ trách các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, truyền thanh, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho dân bản.

Bàn Văn Dương cho tôi biết, từ sau Tết đến nay đã đi hết 38 thôn bản của hai xã Cốc Mỳ và Trịnh Tường với hàng nghìn cây số cuốc bộ. Thật đáng nể. "Hôm đi chữa cháy ở rừng Lao Chải cách đây mươi ngày, em gặp lại hai già làng Thào A Ly và Lý A Tỏa. Già rồi mà hai ông vẫn còn tham gia cứu rừng. Em kể về các nhà báo ở Báo Hànộimới, ông Ly nhờ em gửi giúp ông lời hỏi thăm "hôm nào con mời nhà báo đến với bố nhé" - Bàn Văn Dương cho tôi biết như vậy. Dương còn kể thêm, cách đây mấy ngày anh đã "bị" dân thôn Tùng Chỉn 3 "bắt" vì tội... không đến đón Tết với thôn.

Thật hiếm và quý, ở Đồn Trịnh Tường còn có nhiều cán bộ, chiến sỹ là người dân tộc thiểu số như Thiếu úy Vi Văn Tưởng, Thiếu úy Triệu Xuân Thành (người Dao), Thiếu úy Lý Thó Se, Lý Suy Se (người Hà Nhì)… rất thuận lợi cho tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các thôn bản học tập, nâng cao nhận thức về pháp luật, hay tiếp thu khoa học kỹ thuật vào trồng rừng, cấy lúa nước.

Thế nên hơn cả sự quý trọng, các anh được dân bản coi như những đứa con của núi rừng, con của chính mình sinh ra…

Suối ngàn vẫn chảy…

Chiếc xe chồm lên, len qua những hộc đá lổn nhổn và dừng lại. Trung úy Dương giơ tay chỉ:

- Đây, cả đoạn suối dài, đẹp như thơ mà chỉ sau tích tắc thôi, đất đá ở tận đẩu tận đâu ùn ùn đổ xuống, lấp sạch, cuốn đi 43 người dân… Nhưng, kia kìa, con suối đã tìm hướng rẽ khác. Nó vẫn chảy mà...

Con suối Tùng Chỉn bắt nguồn từ thôn Lao Chải, qua các thôn Tùng Chỉn 2, Tùng Chỉn 3, đến Tùng Chỉn 1 thì bị lấp, lòng suối nham nhở. Bình thường suối hiền lành, êm ả chảy, dung dưỡng cho mảnh đất vùng biên ải xa xôi này. Vậy mà trong lũ bão, nó phải gồng mình hứng đất đá tuôn xuống; hơn 3km suối bị đất đá lấp đầy. Giờ đây, những tảng đá to tướng trơ lỳ, chềnh ềnh giữa dòng. Dương bỗng lặng đi. Đôi mắt ướt nhòe hướng sang phía bên kia suối. Hình như anh đang hình dung lại cảnh tượng xảy ra hôm cơn lũ ác nghiệt đổ đến. Một đầu dây được đồng đội giữ chặt để anh một nách ôm hai mẹ con chị Tẩn Sử Mẩy bám lấy dây nhích từng ly một, đưa hai mẹ con vào bờ trước khi trận lũ ập tới. Hôm ấy, Dương còn cùng đơn vị cứu sống 76 người dân Tùng Chỉn...

Nay, khúc suối chảy qua thôn Nà Lặc đã được khôi phục. Và, như một lẽ tự nhiên, con suối nhỏ lại oằn mình tìm lối rẽ sang hướng khác để tiếp tục chảy. Lại được nghe, dự án xây dựng kênh mương và lưới điện phục vụ dân sinh đang được triển khai. Sự sống chứng tỏ đã và đang hồi sinh trên mỗi thôn bản vùng biên ải thân yêu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con của núi rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.