(HNMO) - Những ngày qua, dư luận xôn xao về vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, với đỉnh điểm là việc ngày 15-4-2017, người dân ngăn cản lực lượng thi hành công vụ, giữ người trái pháp luật. Sau đó, người dân “rào làng”, không hợp tác với chính quyền, lực lượng chức năng để từng bước giải quyết vấn đề.
Qua một số videoclip được người dân phát tán trên mạng, dễ thấy, không phải tất cả dân chúng thôn Hoành, xã Đồng Tâm đều “hào hứng”, “thích thú” với những gì đang diễn ra trên quê hương của họ. Khi chứng kiến cảnh những kẻ quá khích dùng gạch đá tấn công lực lượng chức năng, nhiều người dân lương thiện, yêu chuộng cuộc sống yên bình tìm chỗ an toàn để tránh “không phải đầu cũng phải tai” thay vì vào hùa. Cũng trong những clip trên mạng, không ít người tham gia đám đông với khuôn mặt ngây ngơ như chỉ vì tò mò muốn biết những gì đang xảy ra.
Chưa luận tới chuyện đúng sai, điều dễ nhận thấy nhất là tình hình càng kéo dài ngày nào, không chỉ những cán bộ, chiến sĩ đang bị giữ trái phép mà chính người dân địa phương khổ ngày đó. Với những gì được đọc, xem trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, dễ dàng nhận thấy cuộc sống của người dân đã bị đảo lộn hoàn toàn, sản xuất đình trệ, trẻ không được đến trường khi sắp kết thúc năm học…
Số liệu từ các trường học tại Đồng Tâm đến ngày 17-4-2017 cho thấy: trường mầm non chỉ có 201/640 trẻ đến lớp, ở cấp tiểu học là 461/672 em đến lớp và ở cấp trung học cơ sở là 324/370 em đến lớp… Nhìn vào số liệu trên, dễ dàng nhận thấy, đối tượng dễ bị tổn thương và bị tổn thương nhiều nhất chính là trẻ mầm non, tiểu học. “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Vậy mà, thay vì được đến trường, vui đùa, học hành để ngày mai lập nghiệp thì các cháu phải chứng kiến cảnh rối loạn, ẩu đả, chửi bới, giữ người, trói người xảy ra liên miên trong những ngày qua. Đó còn là những giấc ngủ không yên giấc bởi những tiếng kẻng báo động, ầm ĩ giữa đêm khuya. Trái ngược với sự dạy dỗ thường ngày của thày cô, cha mẹ về sự ngoan ngoãn, lễ phép, các cháu phải chứng kiến cảnh ẩu đả, chửi bới thô tục của người lớn, những người các cháu gọi là cha mẹ, ông bà… Thật buồn và đau xót! Chứng kiến cảnh tượng bạo lực, thô tục chắc hẳn sẽ tác động rất xấu tới tâm lý, sự phát triển của trẻ.
Khi được hỏi quan điểm về vụ việc đang xảy ra ở quê hương, trả lời báo chí, không ít người con Mỹ Đức cũng thể hiện nỗi buồn, lo lắng, thất vọng vì cách hành xử của một bộ phận người dân quá khích, không chịu hợp tác, đối thoại thiện chí với đại diện cơ quan chức năng thành phố. Theo họ, hành động quá khích đó đã làm xấu đi hình ảnh của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Thử hỏi, với sự kích động quá khích đó, các doanh nghiệp còn có mặn mà về đầu tư phát triển sản xuất ở địa phương? Rồi những bạn trẻ đang ở tuổi cập kê sẽ phải vượt qua những “điều tiếng” mà không phải do họ gây ra như thế nào trong quá trình tìm hiểu? Đó chỉ là những tình huống giả định nhưng hoàn toàn có thể xảy ra…
Rõ ràng, còn bất ổn, người dân còn khổ. Bất ổn càng kéo dài, “di chứng” càng nặng nề.
Như đã nói, tạm thời bỏ qua chuyện luận đúng, sai, điều cần nhất hiện nay là phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, đối thoại thiện chí để từng bước giải quyết dứt điểm vấn đề.
Còn “rào làng”, tự cô lập chính mình, sẽ chỉ càng bế tắc và dễ dẫn tới những quyết định thiếu sáng suốt!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.