Theo dõi Báo Hànộimới trên

‘Cơn bão’ Uber, Grab: Hình hài xe taxi hay chỉ kết nối công nghệ?

Theo Việt Nam plus| 20/12/2017 10:46

Sau 2 năm “cơn bão” ứng dụng gọi xe Uber, Grab đổ bộ vào Việt Nam và trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của tất cả các hãng taxi truyền thống và buộc phải nhanh chóng đổi mới, tương thích công nghệ để giảm chi phí, phục vụ hành khách với mức giá tốt hơn, từ đó chia lại “miếng bánh” thị phần taxi.

Hành khách gọi xe thông qua ứng dụng phần mềm của Uber. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)


Tuy nhiên, việc thí điểm cũng bộc lộ rõ hàng loạt những hạn chế, bất cập giữa loại hình ứng dụng gọi xe công nghệ và taxi truyền thống khi đặt ra vấn đề như Uber, Grab có là taxi và cơ quan quản lý nhà nước có truy thu thuế được không? Số lượng xe thí điểm có vượt quá quy hoạch?

Uber, Grab có phải là xe taxi?

Tại hội nghị “Tổng kết 2 năm thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng” của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều nay (19-12), theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, việc triển khai thí điểm này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc đi lại như lựa chọn phương tiện; biết được thông tin của lái xe, giá cước; đánh giá thái độ phục vụ lái xe; rút ngắn được thời gian chờ xe; giảm chiều xe chạy rỗng, lòng vòng trên đường để đón khách; giảm ùn tắc giao thông đô thị; thay đổi chất lượng dịch vụ của hoạt động của các hãng taxi…

Tuy nhiên, đại diện các Sở Giao thông Vận tải và hãng taxi cũng tỏ ra lúng túng khi đặt ra câu hỏi về việc nhận dạng Uber, Grab là loại hình kết nối công nghệ hay vận tải như taxi?

Đại diện Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, Uber và Grab gần giống loại hình taxi. Hai đơn vị này cung ứng phần mềm nhưng lại tự quyết định giá cước. Thành phố đang xây dựng quy hoạch phương tiện nhưng rất lúng túng, hiện mới tập trung vào taxi và muốn biết rõ Uber, Grab là taxi hay tương tự taxi để quy hoạch rõ ràng.

Khẳng định việc nhận diện đúng bản chất của Uber, Grab để quản lý chứ không cấm, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định quản lý loại hình này như taxi, phù hợp với bản chất hơn là xe hợp đồng.

Ở góc nhìn khác, ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, sự lúng túng của cơ quan quản lý nhà nước là bình thường vì Uber, Grab là loại hình hoàn toàn mới.

“Các loại hình này thay đổi tính chất và mô hình vận tải. Ranh giới giữa các loại hình hiện rất mong manh giữa xe hợp đồng và taxi,” ông Hiếu nói.

Là đơn vị trực tiếp cạnh tranh với Grab, Uber, lãnh đạo hãng taxi Vinasun cho biết, phần mềm kết nối đặt xe của Uber, Grab chính là đang cung cấp trực tiếp chỉ đạo kinh doanh chứ không chỉ cung cấp phần mềm. Do đó, vị này cho rằng cần định danh dịch vụ vận tải Grab, Uber là taxi.

“Trên thế giới không có nước nào gọi Grab, Uber là xe hợp đồng điện tử, nhưng nước ta lại dùng thuật ngữ cho loại hình này. Hợp đồng điện tử là phương thức giao tiếp không phải hoạt động kinh doanh. Xe hợp đồng là khái niệm bị đánh tráo vì Uber, Grab một ngày chạy không biết bao nhiêu chuyến. Các hãng taxi không tán thành Uber và Grab là xe hợp đồng điện tử,” lãnh đạo Vinasun bức xúc nói.

Bên cạnh đó, các hãng taxi cũng kiến nghị Nhà nước tiến hành thanh kiểm tra lại các hợp tác xã do thời gian qua có nhiều hơp tác xã giấy hình thành nên rất nguy hiểm; xem xét đình chỉ việc thực tiễn thí điểm.

Siết điều kiện Uber, Grab, “cởi trói” xe taxi

Đề cập vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra quan điểm có nên mạnh dạn đưa điều kiện xe hợp đồng và taxi khác nhau trong Nghị định 86 sửa đổi không hay quy định chung tất cả là xe hợp đồng hoặc xe taxi?

“Đối tượng này là xe kinh doanh vận tải, không cho phép cá nhân tham gia. Lộ trình 2 năm phù hợp để đánh giá cụ thể. Các đơn vị sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để thông tin đầy đủ về nghĩa vụ thuế. Cơ quan quản lý Nhà nước phải định danh rõ các xe ứng dụng nền tảng công nghệ như Uber, Grab là hợp đồng hay taxi trong Nghị định 86,” ông Hùng chia sẻ.

Để đảm bảo hài hòa lợi ích, tránh các đơn vị taxi truyền thống "đấu tố" Uber, Grab, Sở Giao thông Vận tải các địa phương có xe tham gia thí điểm đề xuất nghiên cứu bổ sung các quy định, điều kiện về quản lý đối với các đơn vị cung cấp phần mềm điện tử (như Uber, Grab...) đồng thời giảm 1 số điều kiện kinh doanh với taxi truyền thống.

Xe taxi mong muốn được cởi trói một số điều kiện kinh doanh để cạnh tranh bình đẳng với Uber và Grab. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)


Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Bộ Giao thông Vận tải đã bổ sung một Chương mới trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ trong đó quy định hình thức, nội dung, điều kiện giao kết hợp đồng vận tải điện tử; quy định điều kiện hoạt động, trách nhiệm, nghĩa vụ của đơn vị cung cấp phần mềm đối với Nhà nước, đối tác vận tải, tài xế và hành khách.

Bộ cũng khuyến khích doanh nghiệp vận tải bằng taxi trang bị phần mềm ứng dụng gọi xe và việc khống chế số lượng xe tham gia thí điểm địa phương quyết định cho đến khi lập và thực hiện quy hoạch về phương tiện và vận tải trên địa bàn phù hợp với thực tiễn theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, tránh cung vượt cầu, góp phần hài hòa các phương thức vận tải nhưng cần tính toán để đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu đi lại của người dân.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các đơn vị cung cấp phần mềm và vận tải đang tham gia thí điểm tiếp tục kéo dài hoạt động cho đến khi Nghị định thay thế Nghị định 86 có hiệu lực.

“Các đơn vị cung cấp phần mềm nếu không thực hiện theo đúng các quy định trong thí điểm và phạm vi được phép thí điểm thì sẽ dừng hoạt động cung cấp dịch vụ và kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định," Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.

Đối với một số địa phương đã xuất hiện đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm tự ký thỏa thuận và cung cấp ứng dụng gọi xe hoạt động tự phát, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng cho phép, ưu tiên các đơn vị này nếu có nhu cầu thực hiện thì có đề án để báo cáo Ủy ban Nhân dân thống nhất với Bộ cho phép và hướng dẫn thực hiện, tránh hoạt động tự phát dẫn đến không quản lý./.

Sau 2 năm, nước ta đã có 10 đơn vị khác tham gia đề án thí điểm kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải và 7 đơn vị có đề án gửi về Bộ chưa được chấp thuận do chưa có ý kiến của các địa phương.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, đề án thí điểm kết nối vận tải theo hợp đồng điện tử có tổng số 866 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
‘Cơn bão’ Uber, Grab: Hình hài xe taxi hay chỉ kết nối công nghệ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.