(HNM) - Sau cú sốc Lehman Brothers lần lượt đẩy các nền kinh tế thế giới vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ qua, thị trường tài chính Phố Wall lại vừa rung chuyển sau sự kiện Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đâm đơn kiện ngân hàng quyền lực Goldman Sachs (GS) gian lận và lừa dối các nhà đầu tư.
Sự kiện này không chỉ toàn bộ các giao dịch cổ phiếu toàn cầu chao đảo mà còn thổi bùng một cuộc khủng hoảng niềm tin mới. Không ai có thể ngờ rằng, cái gọi là "người hùng" của cơn bão tài chính toàn cầu vừa bước ra khỏi "mắt bão" lại lừa bịp chính những khách hàng từng đặt niềm tin vào GS.
Đến lúc này, người ta mới vỡ lẽ ra rằng, từ năm 2007, GS đã đồng ý phát hành loại chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản thế chấp do một trong những khách hàng của ngân hàng này là Paulson & Co "sáng chế", trong khi biết rõ gói nợ có thể sẽ rớt giá thảm hại khi thị trường nhà đất Mỹ sụp đổ. Nguyên nhân đằng sau việc sử dụng sản phẩm tài chính hoàn toàn mới lạ và có vẻ rất phức tạp này lại rất đơn giản và không có gì lạ lẫm. Đó là yếu tố lợi nhuận, khi các nhà đầu tư đã bị móc túi cả tỷ USD còn kẻ giật dây vụ lừa đảo, ông chủ John Paulson của Paulson & Co, thủ lợi lớn. Bản thân GS cũng bị cáo buộc đã bỏ túi khoảng 150 triệu USD/ngày nhờ "tô hồng" các khoản tài chính xấu bằng uy tín hơn trăm năm của mình, để khách hàng mắc câu.
Hành động này lập tức gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì người ta có thể hình dung. Ngay sau khi đơn kiện của SEC được công khai, cổ phiếu của "đại gia" Phố Wall đã đi xuống và có lúc mất tới 15% giá trị. Sự trượt giá khó hãm này khiến giá trị vốn hóa thị trường của GS "bốc hơi" gần 15 tỷ USD. Như một phản ứng dây chuyền, thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu cũng nếm trải cú tuột dốc suốt 48 giờ qua do nỗi lo sợ phập phồng của các nhà đầu tư. Không ít người lo ngại, nền kinh tế đầu tàu của hành tinh và nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới vừa gượng dậy sau cơn bão tài chính sẽ trở lại giai đoạn hôn mê sau cú đòn mới từ GS, đặc biệt khi 19 ngân hàng lớn nhất của Mỹ trong 24 giờ qua cũng đang bị kiểm tra nhằm phát hiện những trò gian lận kế toán dẫn tới sự sụp đổ của Lehman Brothers gần 2 năm trước.
Chính phủ Đức, Anh và Ủy ban châu Âu (EC) cũng vừa lên tiếng đòi các tổ chức có trách nhiệm điều tra vai trò của ngân hàng đầu tư quyền lực nhất Phố Wall trong thị trường tín dụng bất động sản, cũng như giúp Hy Lạp che giấu các khoản nợ công khổng lồ góp phần làm khốn đốn cả khu vực đồng euro đang khiến "người khổng lồ" của kinh tế Mỹ không thể lảng tránh. Điều đó cho thấy, vụ kiện đã bắt đầu gây chấn động hệ thống ngân hàng phương Tây và tạo ra "đám mây bụi núi lửa" mới trên thị trường tài chính toàn cầu. Đây cũng là "màn khai cuộc" cho trận chiến pháp lý của cả chính quyền Mỹ và châu Âu nhằm vào các đại gia Phố Wall, những nhân tố khơi mào cho cuộc đại khủng hoảng vừa qua.
Mặc dù chưa thể đánh giá được mức trừng phạt mà GS phải gánh chịu, song cuộc điều tra được cho là cần thiết, nhất là khi châu Âu đang tranh cãi và chia rẽ sâu sắc trong giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp. Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã không do dự tận dụng sự cố GS và xem đây là "con át chủ bài" để thuyết phục Quốc hội Mỹ chấp nhận kế hoạch cải tổ thị trường tài chính - với những biện pháp thắt chặt các quy định tiền tệ - được coi là sâu rộng nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước.
Từng được đánh giá cao khi lên tiếng cảnh báo về các công cụ tài chính nguy hiểm được các ngân hàng Mỹ sử dụng để kiếm lời trước khủng hoảng, vụ kiện GS do đó thực sự là cơn ác mộng trước mùa Hạ. Nó đe dọa nhấn chìm uy tín và tên tuổi suốt 141 năm qua của GS không chỉ tại Phố Wall mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Những bí mật đang bị phanh phui từ Phố Wall cho thấy, quy mô hoạt động mờ ám của định chế tài chính này thật khó lường. Cuộc khám phá những bí ẩn sau ánh hào quang mang tên GS mới chỉ bắt đầu. Vụ kiện GS gây chấn động một lần nữa bộc lộ những sự thật khủng khiếp trong thế giới tài chính - Nơi cuộc chiến vì lợi nhuận đang ngày càng khốc liệt và lộ rõ hơn thứ văn hóa vị kỷ, thậm chí phản bội cả bạn hàng để trục lợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.