Nắng tháng bảy, lúa đang độ vào bông đẫy hạt bỗng có mảng ruộng bị rầy nâu phá hoại. Cả làng nhốn nháo lo, nhiều người hỏi nhau xem mua thuốc gì phun cho hiệu quả, rồi sau khi ngẫm nghĩ, than thở:
- Chỉ còn mươi ngày nữa gặt mà phun thuốc vào, không khéo ăn cơm vẫn còn mùi thuốc sâu…
Một ai đó nói:
- Những ruộng nào phun lúc sắp gặt, để riêng thóc ra mà bán...
Mẹ tôi bảo:
- Tuy mình không ăn, nhưng đem bán thì người khác vẫn phải ăn. Bát cơm người ta bê lên vẫn còn mùi thuốc sâu, trước hết người ta oán trách người nông dân mình, chưa nói chuyện ăn vào lại sinh bệnh. Bệnh rầy nâu chủ yếu ăn ngang thân cây lúa. Mình chịu khó vất vả, vạch lúa ra phun dưới gốc, vào thân, tránh vào hạt thóc thì sẽ an toàn khi sử dụng.
Nhiều người gật gù và làm theo. Còn mẹ tôi, vạch lúa, phun ngang cây cho một sào ruộng. Đến trưa về thì lưng đã mỏi nhừ, nhưng vẫn vui:
- Làm nghề gì thì cũng phải có lương tâm chứ. Mình là người làm ruộng mà con! Bát cơm là bát lộc trời!
Người Xây Dựng thật cảm kích khi nghe câu chuyện trên của một bạn đọc ở xã Cẩm Định, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nên ghi lại mong được mọi người tham khảo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.